Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Điền Tri Học, khoa cấp cứu, bệnh viện Cheng Hsin General Hospital, chia sẻ về một trường hợp thiếu niên (18 tuổi) tên là Tiểu Triệu, sống tại Đài Loan.
Tiểu Triệu được mẹ đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng mặt sưng đỏ, sốt cao, thở khò khè, huyết áp cao, mệt mỏi kéo dài. Tiến hành xét nghiệm máu và chụp X - quang, phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu tràn dịch màng phổi, tăng acid uric máu, nồng độ oxy trong máu bất thường, suy thận, được chẩn đoán mắc bệnh tự miễn.
Bác sĩ Điền Tri Học cho biết: "Tiểu Triệu là một trường hợp không may mắc căn bệnh tự miễn chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị suy thận. Sau khi Tiểu Triệu lên cơn sốt cao, hệ miễn dịch đã tấn công thận của bệnh nhân dẫn đến hệ lụy bệnh nhân phải chạy thận cả đời ở độ tuổi còn quá trẻ".
Bác sĩ Trần Tuấn Vũ, khoa thận, bệnh viện The First Affiliated Hospital, Sun Yat-sen University, cảnh báo mọi người cần chăm sóc thận và nhanh chóng nhận dạng các dấu hiệu về bệnh thận: "Dấu hiệu thứ nhất, vào buổi sáng ngay khi thức dậy, nếu đi tiểu mà bạn thấy nước tiểu có nhiều bong bóng và sau 10 phút bong bóng vẫn chưa tan biến, nghĩa là bạn cần cảnh giác về nguy cơ mắc bệnh thận.
Dấu hiệu thứ 2, nếu bạn ấn tay vào các chi dưới nhưng làn da không thể đàn hồi ngay lập tức thì có thể nghĩ đến trường hợp chi dưới phù nề do bệnh thận. Dấu hiệu thứ 3, bạn đột nhiên bị cao huyết áp nhưng không rõ nguyên nhân.
Dấu hiệu thứ 4 là dấu hiệu cơ thể thiếu máu, thận có chức năng giải phóng hormone erythropoietin để sản sinh hồng cầu. Khi thận có vấn đề, nó không thể sản sinh hồng cầu và dẫn đến bệnh thiếu máu. Nếu bạn mắc bệnh huyết áp cao kết hợp với bệnh thiếu máu thì cơ thể sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi".
Bệnh tự miễn là gì?
Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì lý do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra.
Bệnh thường gặp ở người trẻ hoặc đứng tuổi (thường từ 20 đến 40 tuổi). Trẻ em và người già ít gặp hơn, nữ gặp nhiều hơn nam.
Bệnh tiến triển từng đợt, nặng dần (vì vậy bệnh có tên là bệnh tự duy trì) diễn tiến thường phức tạp, đa dạng từ cấp tính, tối cấp đến nhẹ, dai dẳng.
Bệnh tự miễn di truyền và thường có tính chất gia đình. Khi bị bệnh tự miễn có thể tổn thương đồng thời nhiều cơ quan.
Biểu hiện khi mắc bệnh tự miễn
Sốt kéo dài dù có uống thuốc hạ sốt và tái phát liên tục.
Triệu chứng mệt mỏi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không tập trung, mất tinh thần. Nếu thấy bị tình trạng này bạn nên đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân để điều trị sớm.
Ngứa da, nổi mề đay, phát ban: Nhiều người dễ nhầm lẫn với bị dị ứng tuy nhiên khi hệ miễn dịch trong cơ thể bị suy yếu khiến da bị ngứa ngáy, hay nổi mề đay hoặc phát ban.
Tăng hoặc giảm cân bất thường: Nếu bạn cảm thấy trọng lượng cơ thể đột nhiên tăng hoặc giảm một cách bất thường thì nguyên nhân có thể do sự trao đổi chất trong cơ thể bị rối loạn, hệ miễn dịch thay đổi.
Sưng các tuyến ở khớp, cổ họng vì hệ miễn dịch tạo các kháng thể tự "hủy hoại" các mô tại các cơ quan.
Thay đổi trong nhu động ruột và quá trình trao đổi chất dị ứng thực phẩm hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa khiến bạn dễ bị dị ứng với thực phẩm hoặc gây nên tình trạng táo bón, tiêu chảy.
Theo Tú Uyên (Nhịp Sống Việt)