Đây là thông tin được TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra tại lễ mít tinh hưởng hướng ngày Thế giới không thuốc lá sáng nay tại Hà Nội.
TS Park cho biết, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh tật đối với hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Khói thuốc lá chứa tới 7.000 chất độc hóa học, trong đó hàng trăm chất cực độc như axeton (chất tẩy có trong sơn móng tay), amoniac... giết chết 8 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó có 1 triệu nạn nhân vô tội do hút thuốc lá thụ động.
Hít phải khói thuốc thụ động độc hại không kém người hút thuốc. Theo nghiên cứu của WHO, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào.
Do đó người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày và tăng hơn 30% nguy cơ mắc ung thư phổi.
Đáng lưu ý, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời so với những người không hút thuốc.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Cứ 5 người hút thuốc thì một người sẽ mắc COPD trong đời. Hút thuốc lá làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ chuyển từ bệnh lao tiềm ẩn sang bệnh lao hoạt động.
Nếu cha, mẹ hút thuốc cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ trẻ em. Bị hít khói thuốc thụ động là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em, khi trưởng thành tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ.
Theo WHO, trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá.
Hút thuốc lá làm tăng 22 lần nguy cơ mắc ung thư phổi. Tại Việt Nam, tỉ lệ tỉ vong do mắc ung thư phổi lên đến gần 90%
Trong suốt nhiều năm, ung thư phổi luôn là ung thư có số ca mắc và tử vong lớn nhất tại nước ta. Đến năm 2018, theo số liệu của WHO, số ca mắc mới ung thư phổi ở Việt Nam xếp thứ 2, sau ung thư gan với gần 24.000 ca mắc mới, tuy nhiên có tới hơn 21.000 tử vong (tỉ lệ tử vong gần 88%).
“Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của bệnh tật do việc hút thuốc. Chúng ta hãy cùng chung tay cùng xây dựng cuộc sống không khói thuốc để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến kêu gọi.
Hiện 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá, nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung của phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, tổ chức lễ ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá...
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.
Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Cầu thủ Quang Hải, thủ môn Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Đoàn Văn Hậu được chọn là 3 đại sứ truyền thông cho chương trình phòng chống tác hại thuốc lá năm 2019.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)