Đó là trường hợp của sản phụ Đ.T.T.T. (quê Kiên Giang). Sau sinh 4 tháng, sản phụ bất ngờ khó thở rồi lâm dần vào suy tim, suy thận, thiếu máu nặng. Các bác sĩ dù điều trị tích cực nhưng đến nay, tính mạng bệnh nhân vẫn hết sức mong manh.
Suy tim, suy thận nguy kịch sau khi sinh con đầu lòng
Theo hồ sơ bệnh án, sản phụ T. được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang lên bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy đa cơ quan, thiếu máu nặng.
Trước đó, sản phụ khai thăm khám không đều và không phát hiện bất thường trong quá trình mang bầu. Đến tháng thứ 7 sản phụ bất vỡ ối, sinh con chỉ nặng 2.3kg.
Vài tháng đầu sau sinh, người mẹ trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên khi con được 4 tháng, sản phụ bất ngờ khó thở liên tục. Đi khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân thiếu máu nên điều trị tích cực rồi cho về.
Tuy nhiên tình trạng khó thở và mệt không hết mà cứ tái đi tái lại. Đến cuối tháng 4/2019 thì tình trạng chuyển biến rất xấu, sản phụ không thở nổi nên gia đình đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu.
Tại đây các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy đa cơ quan, suy hô hấp nặng. Điều trị nhiều ngày không cải thiện, sản phụ được chuyển lên tuyến trên.
Khi vào khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bệnh nhân chẩn đoán bị cơ tim chu sinh kèm thiếu máu, giảm nặng 3 dòng tế bào máu, suy thận nặng và phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực.
Tiếp tục làm mọi xét nghiệm cần thiết, ekip điều trị phát hiện tình trạng nguy kịch của bệnh nhân xuất phát từ căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh này không được xử lý sớm khiến sản phụ bị biến chứng suy thận; biến chứng viêm cơ tim; biến chứng huyết học, thiếu máu tán huyết tự miễn.
Ngoài ra bệnh nhân còn mang bệnh lý vi mạch huyết khối, nếu chậm xử trí sẽ có nguy cơ gây ảnh lên não làm co giật hôn mê và bị biến chứng viêm phổi kèm nhiễm trùng tiêu hóa. Chỉ duy nhất phần gan là được kiểm soát hoàn toàn.
Hiện tại tình trạng suy tim của bệnh nhân đang trong tầm khống chế nhưng vẫn phải sử dụng thuốc trợ tim. Bệnh nhân còn trong giai đoạn vô niệu hoàn toàn.
Vi mạch huyết khối - Biến chứng cực nguy hiểm của lupus ban đỏ
Bác sĩ Nguyễn Sơn Lâm, khoa Nội thận cho biết, tình trạng vi mạch huyết khối như bệnh nhân có tỉ lệ tử vong lên đến 90% nếu chậm xử lý. Nếu thay hoàn toàn huyết tương trong cơ thể thì hi vọng sống sẽ khoảng 80% nhưng phải thực hiện nhiều lần, chi phí rất cao.
"Bệnh lý vi mạch huyết khối thường xuất hiện với biểu hiện: suy thận, thiếu máu, động kinh. Đây là 1 trong những biến chứng nguy hiểm của lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh phát triển sau biến chứng nhiễm trùng" - bác sĩ thông tin.
Theo bác sĩ, lupus ban đỏ hệ thống là bệnh là bệnh tự miễn đa cơ quan, tức là một khi bệnh nhân đã mắc bệnh thì sẽ kéo theo rất nhiều các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương.
Bệnh nhân bị bệnh này có những tổn thương ngoài da đa dạng về hình thái dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác.
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống lại không có biểu hiện bên ngoài da mà lại biểu hiện ở các cơ quan bên trong như thiếu máu, xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc rối loạn tâm thần.
Bệnh hay gặp ở nữ giới, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nguy hiểm hơn ở thời kỳ mang thai.
Lupus ban đỏ hệ thống liên quan đến rối loạn gen, có yếu tố di truyền nên không thể phòng ngừa. Do đó khi xuất hiện một tổn thương, triệu chứng bất thường thì phải đi bệnh viện thăm khám ngay.
Với bệnh nhân đã trị khỏi lupus ban đỏ, khi khỏe lại phải tuyệt đối tránh nắng, tránh nhiễm trùng và phải tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với phụ nữ mang thai, phải khám định kỳ đúng ngày và chú ý kỹ việc đo huyết áp, thử nước tiểu để nhanh chóng phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Để phòng ngừa vi mạch có huyết khối, người dân cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát cholesterol, hạn chế muối và chất béo, ngăn ngừa giảm cân, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)