Sản phụ 23 tuổi bất ngờ mất thị lực gần ngày cận sinh

08/01/2022 10:47:21

Các bác sĩ nhận định tính mạng của sản phụ và thai nhi đang nguy kịch, ngay lập tức đưa ra chỉ định mổ cấp cứu lấy thai.

Ca mổ cứu mẹ con sản phụ mắc Covid-19 thoát cảnh ‘ngàn cân treo sợi tóc’Vụ sản phụ 11 tuổi ở Quảng Trị: “Khai sinh sai cho cháu đi học”Thai phụ ngỡ ngàng vì sinh con nặng đến 5kg  

Sản phụ H.T.C. (23 tuổi, trú tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tối 6/1 trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, phù nề toàn thân và mất thị lực (không phân biệt được sáng tối). Sản phụ đang mang thai 40 tuần, có dấu hiệu chuyển dạ.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định tính mạng của sản phụ và thai nhi đang nguy kịch. Bệnh nhân được chẩn đoán thai 40 tuần chuyển dạ, tiền sản giật nặng. Ngay lập tức, các bác sĩ đưa ra chỉ định mổ cấp cứu lấy thai, sẵn sàng các biện pháp hồi sức tích cực sau mổ.

Ca phẫu thuật có sự phối hợp của kíp  bác sĩ Sản khoa và Gây mê hồi sức. Bé gái 3,7kg sau đó chào đời khoẻ mạnh, còn sản phụ chuyển theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu.

Theo các bác sĩ, tiền sản giật là bệnh lý sản khoa nguy hiểm, có thể khiến mẹ và thai nhi tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Tiền sản giật thường gặp trong 3 tháng cuối thai kỳ với 3 dấu hiệu chính là: phù, tăng huyết áp và protein niệu.

Sản phụ 23 tuổi bất ngờ mất thị lực gần ngày cận sinh
Khu vực Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng - Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu rất nhiều trường hợp tiền sản giật nặng, tiền sản giật gây biến chứng phù phổi cấp, Hội chứng HELLP hoặc giảm thị lực…

Đối với những ca bệnh như trên, việc đầu tiên cần làm là đình chỉ thai nghén kịp thời để cứu mẹ và bé. Bên cạnh đó, điều trị nội khoa đúng phương pháp sau ca phẫu thuật, giúp bệnh nhân hồi phục sức khoẻ hoàn toàn. Nếu không điều trị đúng phương pháp, sản phụ sẽ tiếp tục lên cơn sản giật, có thể để lại di chứng nặng nề do tổn thương não hoặc mất thị lực vĩnh viễn, thậm chí trường hợp xấu nhất là không thể qua khỏi.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai, đặc biệt là người có bệnh lý về thận, tiểu đường, tăng huyết áp, basedow, béo phì cần được quản lý thai nghén tại các cở sở có chuyên môn về sản khoa. Từ đó, phát hiện sớm và điều trị tiền sản giật, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Khám thai không chỉ là siêu âm đơn thuần mà sản phụ phải được khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu khi cần thiết cũng như tư vấn về dinh dưỡng để có một thai kỳ khoẻ mạnh.

Nếu phát hiện bị tiền sản giật hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác, thai phụ phải được nhập viện điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Theo Quỳnh Anh (VietNamNet)

Nổi bật