Bột sắn dây là thức uống thích hợp để giải nhiệt ngày hè. Với công dụng giải nhiệt, giải độc, bảo hộ tế bào gan, hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu. Ngoài ra, bột sắn dây còn chống lão hóa và ung thư, dự phòng tích cực tình trạng nhiễm virut đường hô hấp, nâng cao năng lực chịu đựng của cơ thể trong tình trạng thiếu ôxy...
Tuy nhiên, gần đây có nhiều lời đồn đại là uống bột sắn dây hại dạ dày, gây sỏi thận hoặc chết người nếu uống kèm mật ong?
Bác bỏ thông tin trên, ThS Lương y Vũ Quốc Trung, nguyên Phó Giám đốc trung tâm khoa học công nghệ (Cục dự trữ quốc gia) khẳng định, uống nước sắn dây pha với mật ong gây chết người chỉ là lời đồn đoán trong dân gian, còn tuyệt nhiên không có sự việc đó.
Theo ông Trung, sắn dây và mật ong không nằm trong nhóm tương phản nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông cũng khẳng định: "Tôi thường xuyên uống nước sắn dây pha với mật ong, cả gia đình tôi cũng vậy, chẳng có điều gì bất thường xảy ra".
Không những thế, nhiều lời khuyên còn dùng bột sắn dây để kết hợp chữa bệnh viêm loét dạ dày.
Bột sắn dây nên pha sống hay đun chín?
Uống bột sắn dây sống hay chín cũng tùy thuộc vào từng thể trạng người dùng.
Theo các chuyên gia, khi uống sống, hàm lượng dinh dưỡng sẵn có trong sắn dây được giữ nguyên nên rất bổ dưỡng lại dễ làm. Tuy nhiên, không phù hợp người bụng dạ yếu vì có thể dẫn đến tiêu chảy, lạnh bụng do tính hàn của sắn dây.
Khi pha chín, bột sắn dây bị giảm dược tính đi khá nhiều, lượng dinh dưỡng cũng giảm. Tuy nhiên ăn chín thì an toàn sức khỏe cho mọi người vì hầu hết chúng được chế biến thủ công, không qua khử trùng hay đạt tiêu chuẩn chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nào nên sẽ không thể tránh khỏi việc lẫn tạp chất, bụi bẩn và kể cả các loại vi trùng.
Để an toàn, nên uống bột sắn dây pha với nước sôi hoặc nấu thành chè, có thể để nguội hay, bảo quản ngăn mát tủ lạnh hoặc thêm ít nước đá để thưởng thức.
Bột sắn dây ăn bao nhiêu là đủ?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bất kể thứ gì ăn quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe. Kể cả những người khỏe mạnh bình thường cũng không nên uống quá 1 ly nước sắn dây/1 ngày. Cách uống sắn dây tốt nhất là nên uống chín và không cho hoặc cho rất ít đường.
Đối với trẻ dưới 10 tuổi, hệ thống đường ruột chưa phát triển hoàn toàn, không khuyến khích cho trẻ uống sắn dây vì trẻ dễ thiếu hụt dinh dưỡng và vừa không hấp thu được bột sắn dễ dẫn đến bị rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, do tính hàn mà bột sắn dây không nên dùng cho người đang mắc phong hàn, cảm lạnh hay cảm giác đuối sức, tụt huyết áp. Việc dùng sắn dây lúc này càng khiến cơ thể đuối sức, mất nhiệt, mất năng lượng thêm.
Lưu ý: Thói quen ướp hoa bưởi vào sắn dây để nước uống được thơm hơn, tuy nhiên thói quen này nên bỏ bởi hoa bưởi là làm giảm dược tính của bột sắn dây một cách đáng kể.
Theo M.H (Giadinh.net.vn)