Rước họa vì lạm dụng thực phẩm chức năng

12/03/2022 14:31:56

Sử dụng thực phẩm chức năng phải có tư vấn của bác sĩ, lưu ý những loại không rõ nguồn gốc sẽ nguy hiểm cho sức khỏe

Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng (TPCN) là con dao 2 lưỡi, trước khi sử dụng phải xem cơ thể có cần thiết phải bổ sung hay không. Bởi cơ thể mỗi người khác nhau việc dung nạp thuốc sẽ khác. Nếu người có bệnh lý nền về gan, thận dùng không đúng sẽ gây suy gan, suy thận…

Đổ bệnh vì TPCN

TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đột quỵ SIS Cần Thơ, cho biết vừa điều trị cho một phụ nữ (50 tuổi) bị tắc mạch máu não do uống quá nhiều các loại TPCN.

"Trước đó, bệnh nhân này đã đến khám sức khỏe, qua các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có thần kinh ổn định, không có những tổn thương mạch máu não (không dị dạng, dị tật, không tắc hẹp mạch máu, không phình…). Tuy nhiên, mới đây bệnh nhân này quay lại kiểm tra sức khỏe vì bị đau cổ gáy, nhức đầu, chóng mặt… Sau khi thăm khám, kiểm tra thì ghi nhận bệnh nhân bị hẹp mạch máu não nặng. Bệnh sử bệnh nhân cũng không có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, không uống rượu bia, hút thuốc… Nhưng đáng chú ý, thời gian gần đây bệnh nhân tự ý uống rất nhiều các loại TPCN giúp làm đẹp da, tóc, khỏe cơ xương khớp, hỗ trợ giảm cân. Khi chưa dùng TPCN thì mạch máu não bình thường, sau khi dùng thì phát sinh tình trạng tắc mạch máu não" - TS Cường thông tin.

Rước họa vì lạm dụng thực phẩm chức năng
Tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng là giải pháp tốt cho sức khỏe. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Theo TS Cường, may mắn bệnh nhân chỉ bị hẹp mạch máu phụ nên sau khi dùng thuốc, hiện sức khỏe đã ổn định. Sau khi thoát biến chứng tắc mạch máu não, bệnh nhân biết sợ và ngưng sử dụng tất cả những TPCN đã dùng trước đó.

"Ngoài trường hợp nói trên, hiện nay vẫn có không ít trường hợp người dân nghe truyền miệng TPCN giúp tan cục máu đông cho bệnh nhân đột quỵ. Nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện đã bỏ lỡ thời gian vàng (4,5 giờ đầu sau khi bị đột quỵ) điều trị vì tin lời quảng cáo các loại thực phẩm này. Nguy hiểm hơn, nếu loại thực phẩm này uống vào để tan cục máu đông trên bệnh nhân xuất huyết não thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong nhanh hơn" - TS Cường cảnh báo.

Đối với bệnh nhân đột quỵ, hiện nay tại các bệnh viện có chung 1 loại thuốc làm tan cục máu đông nhưng là dạng tiêm và phải được theo dõi chặt chẽ sau tiêm. Khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ và loại thuốc này không dùng cho các bệnh nhân trong tình trạng xuất huyết não hoặc cơ quan khác.

DS Lê Phước Thành Nhân, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho rằng TPCN khi sử dụng phải có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Đặc biệt, khi sử dụng những loại TPCN không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ thì rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngộ độc do thừa chất

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại TPCN như loại bổ sung vitamin (A,B,C,D…), loại về làm đẹp (mọc tóc, trắng da…) hay thậm chí mới đây, khi dịch Covid-19 xảy ra cũng xuất hiện các sản phẩm được quảng cáo là giúp tăng cường, đề phòng Covid-19.

DS Lê Phước Thành Nhân cho biết TPCN cũng chỉ là "thực phẩm". Bởi không có nghiên cứu, chứng minh đạt hiệu quả rõ ràng nên chúng được xếp vào nhóm TPCN. Nếu sử dụng TPCN tùy tiện sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí biến chứng. Ví dụ, người không có dấu hiệu loãng xương hay thiếu can-xi nhưng vẫn bổ sung thêm can-xi thì sẽ dẫn đến thừa can-xi gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, từ đó sẽ làm cho cơ thể có nguy cơ thiếu hai chất này. Bên cạnh đó, thừa canxi còn gây ra tình trạng quá tải cho thận, nếu vẫn tiếp tục bổ sung thừa trong thời gian dài thì sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận.

Biến chứng nếu sử dụng TPCN không có chỉ định của bác sĩ dẫn đến dư thừa có thể kể như thừa vitamin D dẫn đến bệnh sỏi thận; thừa vitamin C sẽ gây tiêu chảy, nổi mụn, đau đầu, buồn nôn và phá hủy chức năng của thận, gây sỏi thận; thừa acid folic có thể gây ung thư, đau bao tử, khó ngủ, tim đập nhanh, co giật…

"Thực tế hiện nay cũng xuất hiện rất nhiều các loại TPCN bị làm giả. Nếu sử dụng những loại sản phẩm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở… Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh lý về thận, gan, mật…" - DS Thành Nhân nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không ít người bị loãng xương lại đi bổ sung các loại TPCN hỗ trợ, phòng ngừa loãng xương. Tại sao không tận dụng loại “thực phẩm” tự nhiên tốt nhất là ánh nắng mặt trời (Việt Nam là xứ nhiệt đới nên ánh nắng mặt trời gần như có quanh năm), tập thể dục thể thao đều đặn, ăn uống điều độ. Các loại vitamin, khoáng chất tốt nhất cho cơ thể vẫn là ăn uống cân bằng, đa dạng các nhóm thực phẩm.

Theo Hải Yến (Nld.com.vn)