Rau muống là 'vị thuốc dân dã' của Đông y nhưng có người càng ăn lại càng hại sức khỏe, đặc biệt là 6 nhóm người này

05/03/2021 14:11:48

Rau muống rất tốt nhưng nếu ăn nhiều lại có thể khiến tình trạng của một số bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Với người Việt, rau muống là "vua của các loại rau" vì chúng dân dã, dễ nấu và là nguyên liệu của rất nhiều món ngon từ đơn giản đến phức tạp. Hơn nữa, rau muống còn được yêu thích vì hiệu quả sức khỏe nó mang lại. Vào mùa hè, loại rau này là thuốc giải nhiệt. Vào mùa đông, rau muống xào tỏi là thuốc chống lại cảm lạnh, kích thích vị giác.

Theo Đông y, rau muống được coi là "vị thuốc dân dã", có vị ngọt, tính hơi lạnh đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Rau muống có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị xâm nhập các chất độc của nấm độc, cá, thịt độc, khuẩn độc, hoặc độc chất do côn trùng...

Rau muống là 'vị thuốc dân dã' của Đông y nhưng có người càng ăn lại càng hại sức khỏe, đặc biệt là 6 nhóm người này
Rau muống có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy...

Dù ngon lành như vậy, nhưng theo khuyến cáo của lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), rau muống có thể khiến tình trạng của một số bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, để tránh các tác dụng phụ, những nhóm người dưới đây không nên động vào rau muống, dù là món luộc hay xào.

6 nhóm người nên hạn chế ăn rau muống

1. Bệnh nhân mắc bệnh gút

Những người mắc bệnh gút thường bị rối loạn chức năng chuyển hóa chất đạm nên cần kiêng những thực phẩm chứa nhiều đạm. Trong khi đó, rau muống lại chứa khá nhiều chất này. Ngoài rau muống thì đậu lăng, củ cải đường, bông cải xanh, cải chíp... cũng giàu đạm vì vậy trước khi ăn người bệnh gút nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Rau muống là 'vị thuốc dân dã' của Đông y nhưng có người càng ăn lại càng hại sức khỏe, đặc biệt là 6 nhóm người này - 1

2. Người bị viêm khớp

Nếu đang bị đau xương khớp, bạn không nên ăn rau muống bởi nó có thể khiến cho chỗ đau càng thêm khó chịu, bức bối. Tuy nhiên, nếu bị loãng xương, việc ăn rau muống vẫn tốt do hàm lượng canxi cao.

3. Người bị sỏi thận

Rau muống có chứa một hàm lượng oxalate nhất định, vì vậy người mắc bệnh thận không nên ăn tùy tiện kẻo chất này tích tụ ở thận, tạo nên sỏi. Ngoài rau muống, những loại rau người bệnh thận cũng không nên ăn nhiều đó là đậu bắp, tỏi tây, rau bina, củ cải...

4. Người bụng dạ yếu, dễ dị ứng

Rau muống được nhiều gia đình sử dụng để làm nộm hoặc chần qua lẩu để ăn, tuy nhiên loại rau này được trồng dưới nước, có thể bị có trùng sán ký sinh trên lá. Loại ký sinh trùng này có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau sống hoặc nấu chưa chín kĩ. 

Đặc biệt, nó có thể bám vào thành ruột, gây ra các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng. Chính vì vậy, nếu là người có bụng dạ yếu tốt nhất bạn không nên ăn rau muống chưa chín kỹ để tránh rước họa vào thân.

Rau muống là 'vị thuốc dân dã' của Đông y nhưng có người càng ăn lại càng hại sức khỏe, đặc biệt là 6 nhóm người này - 2

5. Người mới phẫu thuật

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, những người mới phẫu thuật, đang có mụn nhọt, hoặc vết thương mới bị không nên dùng vì sẽ bị lồi sẹo, vết thương lâu lành.

6. Người đang uống thuốc Đông y

Đang uống thuốc Đông y thì không nên ăn rau muống trong trường hợp thuốc có vị độc cần thiết để trị bệnh (độc trị độc) mà ăn rau muống thì sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của những vị thuốc này.

Chúng ta nên ăn rau muống thế nào để đảm bảo sức khỏe?

Rau muống giàu dinh dưỡng nhưng khi ăn cần lưu ý đến khâu lựa chọn, chế biến và bảo quản để tránh gây hại. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia), trước khi ăn loại rau này nên ghi nhớ một số lưu ý sau đây:

- Chọn mua: Loại rau trồng ở nguồn nước bẩn chứa nhiều chất hữu cơ, vì vậy rau sẽ có màu xanh đậm, cọng rau và lá to bất thường. Vì vậy chúng ta nên chọn loại thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh tươi. Hạn chế ăn rau muống trái mùa do dễ bị người trồng sử dụng các loại thuốc kích thích.

Rau muống là 'vị thuốc dân dã' của Đông y nhưng có người càng ăn lại càng hại sức khỏe, đặc biệt là 6 nhóm người này - 3

- Sơ chế: Nên rửa sạch từng ngọn rau, ngâm bằng nước muối loãng 15-20 phút để lượng thuốc tồn dư trong rau nếu có sẽ bị phân hủy bớt.

- Chế biến: Khi chế biến cần nấu nước thật sôi mới cho rau vào. Điều chỉnh nhiệt độ sôi phù hợp không quá to hoặc quá nhỏ để rau chín đều và bảo toàn chất dinh dưỡng. Ăn ngay sau chế biến là tốt nhất.

Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật