Chia sẻ trên trang Tiktok cá nhân, chuyên viên Mai Anh Quyền (chuyên viên tư vấn HIV - hỗ trợ cộng đồng tại TP.HCM) chia sẻ, gần đây anh mới tiếp nhận một nam thanh niên vừa tròn 16 tuổi bị nhiễm HIV do thường xuyên quan hệ tình dục đường miệng với nhiều người.
Chuyên viên Mai Anh Quyền chia sẻ trường hợp nam sinh 16 tuổi nhiễm HIV do quan hệ tình dục bằng miệng với nhiều người. |
Theo anh Mai Anh Quyền, nam sinh N.Đ.N (SN 2005, TP.HCM) tìm đến mình trong tâm trạng vô cùng hoảng sợ, suy sụp với nhiều mụn rộp xuất hiện ở ngực, lưng cùng các triệu chứng sốt, ho. Bằng sự nhạy cảm trong công việc của mình, chuyên viên Mai Anh Quyền nhanh chóng cho cậu đi làm xét nghiệm HIV. Kết quả trả về cho thấy nam sinh 16 tuổi có HIV.
"N.Đ.N còn đang đi học, sống cùng với ông bà, bố mẹ đã ly dị nhau và mỗi người đều có cuộc sống riêng. Trường hợp của em bị nhiễm HIV do quan hệ tình dục bằng miệng thường xuyên với nhiều người khác nhau đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc", chuyên viên Mai Anh Quyền cho hay.
Ghi nhận trên Pháp Luật & Bạn Đọc, chuyên viên Mai Anh Quyền chia sẻ: "Ở độ tuổi của các em là tuổi ăn tuổi học chứ không phải là độ tuổi tìm hiểu về quan hệ tình dục. Các em cũng phải biết những việc mình làm sẽ có những hậu quả như thế nào. Các em làm cũng phải suy nghĩ đến cha mẹ mình chứ, tại sao chỉ suy nghĩ cho mình thôi. Cái điều đáng buồn ở đây là khi Jack hỏi đến em sinh năm 2005 này là "em có quan hệ tình dục an toàn hay không" thì em trả lời "em không có quan hệ tình dục an toàn nhưng em có quan hệ bằng đường miệng với rất nhiều người mà bản thân không nhớ".
Thế nào là quan hệ bằng miệng?
Quan hệ bằng miệng (hay Oral Sex) là việc sử dụng miệng, lưỡi hoặc môi tác động lên bộ phận sinh dục, khu vực sinh dục hoặc hậu môn của bạn tình để tạo cảm giác kích thích.
Trong đời sống tình dục của người trưởng thành, kiểu quan hệ này có thể coi là một trải nghiệm thú vị nếu biết thực hiện cùng những biện pháp bảo vệ đúng cách.
Quan hệ bằng miệng có nguy cơ gây ung thư vòm họng
“Quan hệ bằng miệng có thể dẫn đến ung thư vòm họng” - Otis Brawley, Giám đốc Y khoa của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bất cứ ai Quan hệ tình dục bằng miệng đều có thể ung thư. Thực chất, nguyên nhân chính dẫn đến ung thư vòm họng là loại virus có tên papillomavirus (HPV). Việc quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng tạo điều kiện cho virus HPV lây từ người này sang người khác. Do đó, nếu bạn có quan hệ tình dục bằng miệng nhưng không tiếp xúc với virus HPV thì nguy cơ mắc ung thư vòm họng sẽ không xảy ra.
Theo một nghiên cứu do Tạp chí Y học New Zealand công bố năm 2007, người có quan hệ bằng miệng với ít nhất 6 bạn tình có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn nhiều. Nhiễm trùng HPV ở cổ họng có thể bắt gặp ở cả nam và nữ, nhưng phổ biến và thường gặp hơn ở những đối tượng nam giới từ 40 - 50 tuổi có quan hệ tình dục khác giới.
Tuy nhiên, so với việc uống rượu và hút thuốc dẫn đến ung thư vòm họng thì ung thư vòm họng do virus gây ra vẫn dễ điều trị hơn. Hiện nay, để hạn chế nguy cơ mắc ung thư vòm họng khi quan hệ bằng miệng thì tiêm vắc xin HPV cũng là một trong những biện pháp nên được cân nhắc.
Nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi Oral sex
Ngoài nhiễm HIV, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như Herpes, giang mai, lậu, HPV và viêm gan vi-rút có thể lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng.
Những rủi ro phụ thuộc vào rất nhiều điều khác nhau, bao gồm số lượng bạn tình mà bạn có, giới tính của bạn và những hành vi quan hệ tình dục bằng miệng cụ thể mà bạn đã làm.
Cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm khi quan hệ bằng miệng
Để giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra khi quan hệ bằng đường miệng, cần lưu ý các biện pháp dưới đây:
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ như bao cao su, tấm chắn miệng,...
- Không quan hệ với nhiều người, chung thủy với một bạn tình không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Đặc biệt, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên làm các xét nghiệm sàng lọc STD (sàng lọc nhiễm trùng lây qua đường tình dục) định kỳ hàng năm để có thể phát hiện và chữa trị kịp thời.
Sàng lọc STD bao gồm các loại xét nghiệm:
Herpes: xét nghiệm máu (nếu chưa xuất hiện triệu chứng) và kết hợp lấy mẫu xét nghiệm vùng bị tổn thương (khi đã có triệu chứng).
Chlamydia, lậu: xét nghiệm nước tiểu hoặc lấy mẫu bệnh phẩm tại vùng sinh dục.
Giang mai: lấy mẫu bệnh phẩm từ vết loét hoặc xét nghiệm máu.
HIV: Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm mẫu niêm mạc miệng.
HPV: Xét nghiệm PAP HPV và kết hợp chẩn đoán hình ảnh dựa trên các triệu chứng.
PN (Nguoiduatin.vn)