Đã bao giờ bạn cảm thấy bất lực vì có những thứ cảm giác hoàn toàn kiểm soát được nhưng lý trí vẫn không thể thắng nổi ham muốn ích kỷ của bản thân hay chưa?
Chẳng hạn chị em không muốn làm tổn thương người bạn thân 10 năm hoặc vị hôn phu sắp cưới nhưng vì phút giây nóng giận đã buông câu phũ phàng. Hay một nhiệm vụ được sếp giao, bạn khẳng định sẽ hoàn thành xuất sắc đúng hạn nhưng rồi đến giây phút cuối ba chân bốn cẳng làm ẩu và nộp thành phẩm kém chất lượng. Hoặc rõ ràng nhất là chuyện tự hứa sẽ tiết kiệm mà lại để tiền bay khỏi ví chỉ vì bộ đồ hàng hiệu xịn sò.
Tất tần tật mọi vấn đề kể trên đều khiến chị em lâm vào tình cảnh khó xử và gây nên nhiều rắc rối về tài chính, công việc, sức khỏe và cả mối quan hệ.
Vậy phải làm sao mới có thể tối ưu hóa mọi quyết định hành động để chị em luôn được sống hạnh phúc và không bị dày xé bởi tình huống cám dỗ kể trên? Đó là khi bạn cần biết tới quy tắc 48 giờ.
Quy tắc 48 giờ là gì?
Quy tắc 48 giờ hay còn gọi là quy tắc 2 ngày được xem như một thuật ngữ liên quan đến việc đưa ra quyết định hành động của mỗi cá nhân trong một hoàn cảnh nhất định.
Sau 48 giờ, một số động lực đã mất đi, cảm xúc của con người cũng thay đổi. Sở dĩ vì sao không phải 12, 24 hay 72 giờ là bởi những mốc thời gian này quá ngắn hoặc quá thừa thãi khi một ai đó muốn thay đổi tư duy. Các nhà khoa học tâm lý nhận ra 48 giờ chính là khoảng thời gian vàng để bạn tự nhìn nhận lại một cách khách quan mỗi đường đi nước bước của mình.
Ví dụ, hiện tại chị em đang thích một chiếc điện thoại đời mới giá ngất ngưởng bởi nó có nhiều tính năng hay ho và vừa ra mắt nên ai nấy đều săn đón khát khao sở hữu. Nhưng sau 48 giờ, rất có thể ham muốn trên đã mất đi, ấy là khi bạn có thể so sánh hai cảm xúc này và đưa ra quyết định có nên chi tiền ra mua hay không.
Có thể nói, quy tắc 48 giờ rất dễ hiểu, nhưng lại khó thực hiện, bởi chị em cần giữ một cái đầu lạnh.
Quy tắc 48 giờ trong các mối quan hệ
Từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cho tới mối quan hệ tình cảm đều có thể đôi khi xảy ra mâu thuẫn. Chúng ta vì tức giận nhất thời mà nói hoặc hành động gì đó làm tổn thương đến đối phương. Cũng bởi cái đầu nóng mà chị em sẵn sàng quên đi những kỷ niệm đẹp trước đó để phá bỏ ngay tức khắc một mối quan hệ.
Nhưng khoan hành xử nóng vội. Hãy cho bản thân mình 48 tiếng suy nghĩ.
Sau 2 ngày, bạn có còn giữ những cảm xúc tiêu cực như lúc trước không? Bạn có muốn hàn gắn mối quan hệ như cũ không? Thêm nữa, chị em còn nên nhìn nhận sự việc ở góc độ liệu chúng ta có đang ích kỷ, nhỏ nhen, đặt cái tôi cá nhân lên người khác.
Chỉ cần 2 ngày, nó cũng có thể tạo ra bước ngoặt trong giao tiếp và xa hơn là cải thiện mối quan hệ. Tất nhiên 2 ngày suy nghĩ không hẳn là phải nổ ra chiến tranh lạnh. Chị em chỉ cần hành xử bình thường, cho bản thân mình cơ hội lắng nghe từ tận đáy lòng. Mối quan hệ này đang gặp trục trặc gì? Có đáng để bỏ đi hay sửa chữa được? Phương pháp 48 giờ trong giao tiếp giúp bạn tập trung hơn vào những điều quan trọng để phát triển mối quan hệ thay vì thứ vụn vặn tiêu cực làm bạn khó chịu.
Quy tắc 48 giờ trong tài chính
Nếu chị em là những người luôn thấy hối hận sau khi chìm đắm việc shopping quá đà thì quy tắc 48 giờ chính là để dành cho bạn đây.
Dù là bạn muốn mua một thứ gì đó đến độ cuồng si và khao khát tột cùng, hãy vẫn cứ đợi. Tạm dừng nút bấm mua hàng và hãy cho bản thân suy nghĩ tỉ mỉ về quyết định này. Ngay kể cả khi bạn dư tiền để chi trả hay món hàng này hot cỡ nào và nguy cơ sắp bị "sold-out".
Sau 48 giờ, rất nhiều cảm xúc đã lắng xuống. Trước đó, hãy cứ ghi lại những thứ chúng ta muốn vào giấy note để sau này nếu bạn vẫn còn hứng thú thì có thể mua lại. Đồng thời, hãy xem xét một vài câu hỏi sau:
- Bạn có tự tin rằng bạn thực sự cần mua đồ này vì nó giúp cuộc sống của bạn tốt hơn?
- Bạn đã nhận được ưu đãi tốt nhất về giá khi mua nó?
- Cảm xúc muốn mua hàng có như phút ban đầu hay không?
- Bạn có đủ tiền để mua đồ đó 2 lần không?
Nếu các câu trả lời đều là không, thì mau mau vứt nó ra khỏi giỏ hàng chị em nhé!
Quy tắc 48 giờ trong công việc
Khác với tính chất của 2 quy tắc kể trên, thì trong công việc 48 giờ nhấn mạnh vào tính trì hoãn của con người. Cụ thể, khi được sếp giao một nhiệm vụ mới, chị em cảm thấy rất vui và hãnh diện vì bản thân mình là một nhân viên được tin tưởng, chứng tỏ có thực lực và nhận được sự tín nhiệm từ cấp trên.
Ngay khoảnh khắc sếp đưa ra vấn đề, thậm chí trong đầu bạn cũng suy nghĩ được không ít những ý tưởng và cách thức thực hiện. Tuy nhiên, một tình trạng chung của đại đa số dân công sở là bạn không bắt tay vào thực hiện ngay. Để rồi rất nhiều ngày trôi qua, cho tới lúc sắp đến hạn thì bắt đầu luống cuống. Bao ý tưởng, động lực và niềm hăng say tiêu biến hết nhường chỗ cho cảm giác chán nản, rệu rã. Hệ quả tất yếu là công việc bị giảm năng suất.
Vậy nên, ngay trong 48 giờ, hoặc hoàn hảo hơn là càng sớm càng tốt, hãy vạch ra chi tiết những gì bản thân cần làm kèm theo một kế hoạch chỉn chu để tiến tới mục tiêu. Từ đó, bạn chỉ cần theo đúng tiến độ đã đề ra để giữ được một nhịp làm việc liền mạch. Tránh trường hợp trì hoãn quá lâu sẽ ảnh hưởng tới điểm rơi phong độ.
Ngay từ hôm nay, hãy tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này. Chắc chắn bạn sẽ thấy một sự thay đổi lớn đấy!
Theo Minh Bùi (Pháp Luật & Bạn Đọc)