Đàn ông hầu hết là những kẻ không thích nói nhiều. Thế nên người ta mới hay thấy đàn ông nhiều lỗi qua những lời than vãn của phụ nữ. Nói hoài, nói mãi, đâm ra thành sự thật, và đàn ông bỗng nhiên trở thành… tội đồ.
Tôi chẳng biết cái lệ muốn bàn công chuyện phải gặp nhau trên bàn nhậu từ đâu mà có. Nếu biết được kẻ nào đầu têu chuyện này, tôi quả thật cũng muốn trừng trị hắn ta thích đáng, và tôi tin tất cả mọi đàn ông trên đời đều chung suy nghĩ như tôi.
Nhưng trong khi chưa tìm được kẻ đầu têu ấy, thì những người đàn ông như chúng tôi dù không muốn cũng chẳng thể khăng khăng thẳng thừng nói với đối tác, rằng nếu cứ phải ăn uống, mời mọc, nhậu nhẹt thì thôi khỏi bàn chuyện làm ăn. Những hóa đơn đều đặn hàng tháng gửi về nhà, lấy gì chi trả? No ấm của vợ con, lấy gì đảm bảo?
Đừng tưởng đàn ông cười vui vẻ, nói chuyện rộn ràng trong buổi tiệc mà nghĩ rằng họ vui. Tất cả chỉ là xã giao, bởi trong thế giới đàn ông, quả thực có những điều rất khó bàn bạc trên bàn làm việc, nhưng lại dễ dàng gật đầu khi cùng nhau nâng chén. Giữa cuộc vui xa lạ đầy mệt mỏi ấy, đầu dù mỏi nhưng miệng vẫn phải cười, mệt rã rời vẫn phải tỏ ra cao hứng. Khi ấy, vợ con ở nhà đã xong bữa cơm tối ngon lành, ấm áp, đã ngon giấc trong chăn ấm đệm êm, mấy ai hiểu cho nỗi khổ của đàn ông.
Lẽ nào chúng tôi lại không đủ thông minh để hiểu rằng một bữa cơm nhà hơn vạn lần cơm khách, một chiếc giường có hơi ấm vợ con luôn ngọt ngào hơn hơi lạnh điều hòa trong quán nhậu, một tiếng bi bô con trẻ luôn quý giá hơn những tràng cười, những tiếng hò dô trên bàn tiệc. Nhưng, lại phải nói từ “nhưng”, để trán vợ bớt âu lo cơm áo gạo tiền trong giấc ngủ, để ngày mai con đến trường không cần lo lắng khoản này, khoản nọ, đàn ông đành bớt đi một bữa cơm nhà, bớt đi một đêm yên giấc, và đành nhận thêm vài lời trách cứ.
Có lẽ tạo hóa khá công bằng khi tạo ra hai giới bù trù cho nhau vừa vặn. Gia đình là một cái cân giữa xã hội, vậy nên giữa hai vợ chồng, có một người hướng nội thì phải có một người hướng ngoại để giữ cho chiếc cân thăng bằng đứng vững. Người vợ bớt thời gian riêng mình, bớt thời gian xã hội để lo cho gia đình, nhưng họ không biết rằng đàn ông thực ra đâu có còn nhàn rỗi như thời độc thân.
Phụ nữ thấy rằng đàn ông trước khi kết hôn chỉ biết làm việc, sau khi kết hôn cũng chỉ làm việc. Nhưng họ không thấy gánh nặng gia đình trên vai người đàn ông nặng trĩu thế nào, gánh nặng không phải nằm ở việc tối nay nấu món gì, quần áo đã giặt chưa, nhà đã lau chưa… mà nằm ở sự gánh vác, chèo chống. Phụ nữ chỉ biết chồng mình sáng sáng đến văn phòng, nhưng không biết rằng anh ta sẽ làm việc gấp đôi, gấp ba lúc trước.
Người đàn ông galant trước kia bỗng nhiên sẽ chẳng còn thời gian đưa vợ đi xem phim, dạo phố nhiều như ngày trước, chẳng còn rảnh rang như cái thời tán tỉnh ngồi chờ hàng giờ trước cửa nhà cô. Bởi anh ta cần lao đầu vào công việc, cần mở rộng xã giao, cần gặp gỡ, cần tìm thêm cơ hội… khi trên vai anh ta đã không còn nhẹ tênh như trước, mà giờ nặng trĩu gánh nặng tài chính của cả một gia đình, là tương lai của những đứa con, là sự đủ đầy no ấm không phải cho riêng mỗi bản thân.
Khi phụ nữ nghĩ đến chuyện ngày mai đi chợ mua món gì, đàn ông nghĩ đến chuyện mua nhà. Khi phụ nữ nghĩ đến chuyện dạy chữ cho con, đàn ông nghĩ đến chuyện kiếm tiền để trả học phí ngôi trường tốt nhất. Tất cả những lo lắng ấy mới là “chuyện lớn”, chẳng phải chuyện sửa mái nhà hay điện đóm, máy móc… như phụ nữ thường suy diễn ví von.
Phụ nữ thường than thở: “Đàn ông lấy vợ về cứ như lấy được osin cao cấp”, trong khi thực ra đàn ông đơn giản vô cùng. Nhà hơi bẩn, họ chẳng quan tâm. Quần áo hơi bừa bộn, cũng chẳng vấn đề gì. Nhưng với phụ nữ, ấy lại là cả một vấn đề. Họ quan trọng hóa mọi thứ, nhìn ra mọi thứ, từ vết bẩn nhỏ xíu trên sàn, từ chiếc quần chiếc áo chưa đúng chỗ, từ chiếc bát còn hơi dính mỡ… Họ tự bắt bản thân mình trở thành cô Tấm, không ngừng lau dọn, không ngừng chẳng hài lòng, và rồi cuối cùng họ quay sang trách móc chồng không giúp.
Thực ra, cái đàn ông cần đâu phải là căn nhà sạch tinh như khách sạn, cơm tối thịnh soạn như nhà hàng, họ cần cửa nhà đầm ấm, vợ con vui vẻ, gia đình quây quần, bởi một ngày bôn ba ở ngoài đã đủ mệt. Nếu phụ nữ có thể bớt cầu toàn một tí, dành thời gian ấy ngồi xuống bên chồng, thì họ đã chẳng phải buồn phiền than thân trách phận.
Đàn ông không thích nói nhiều, thế nên nếu có bị trách móc cũng mỉm cười cho qua. Nhưng trong thâm tâm họ, luôn ao ước một người vợ có thể hào sảng mà thấu hiểu, xuề xòa mà cho qua, để thấy rằng thế giới đàn ông đâu chỉ toàn ngụy biện.
Theo Viên Miên (Dân Việt)