Eleanor Roosevelt - vợ cố tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, từng ví phụ nữ mạnh mẽ giống như những gói trà, vì chỉ khi được nhúng vào nước nóng, mọi người mới biết được gói trà đó mạnh đến nhường nào.
Chắc hẳn nếu còn sống, cố đệ nhất phu nhân Mỹ sẽ đồng ý hai tay với nghiên cứu mới đây cho rằng phụ nữ không phải là phái yếu.
Mạnh mẽ vượt qua các thảm họa
Theo trang The Telegraph (Anh), nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc ĐH Southern Denmark (Đan Mạch) thực hiện.
Họ đã tìm hiểu rất nhiều tư liệu lịch sử về tỉ lệ tử vong giữa nam và nữ trong các nạn đói, dịch bệnh kinh hoàng trong quá khứ, cũng như khả năng chịu đựng của những nô lệ thời xa xưa.
Trong từng cuộc khủng hoảng, các nhà khoa học nhận thấy phụ nữ có thể sống lâu hơn rất nhiều so với đàn ông mặc dù điều kiện sống khi đó vô cùng khó khăn cho cả 2 giới.
Ví dụ, trong nạn đói khoai tây ở Ireland làm kiệt quệ nước này những năm 1845-1849, tuổi thọ trung bình của cả 2 giới đều thấp hơn 38 tuổi. Nhưng ở thời điểm trầm trọng nhất, tuổi thọ trung bình ở nam giới rớt thê thảm chỉ còn 18,17, trong khi nữ giới là 22,4.
Tương tự, phụ nữ sống lâu hơn nam giới rất nhiều năm trong nạn đói ở Thụy Điển năm 1772-1773 và nạn mất mùa ở Ukraine năm 1933.
Tuổi thọ của phụ nữ cũng trội hơn khoảng 2 tuổi so với nam giới trong dịch sởi khủng khiếp ở Iceland trong thế kỷ 19.
"Những cuộc khủng hoảng mà chúng tôi lựa chọn nghiên cứu thật sự là những thảm họa. Nhưng trong những cuộc khủng hoảng ấy, tuổi thọ nữ giới luôn cao hơn nam", tiến sĩ Virginia Zarulli - chuyên khoa dịch tễ học, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất là trong cuộc buôn bán nô lệ Trinidad từ châu Phi sang châu Mỹ vào những thập niên đầu thế kỷ 19. Trong khoảng thời gian đó, nam giới sống lâu hơn mà theo nhóm nghiên cứu là vì những kẻ buôn người thường chuộng nô lệ nam vì họ có giá trị hơn.
Qua thống kê, nhóm nghiên cứu nhận thấy một sự chênh lệch đáng kể trong tỉ lệ tử vong của trẻ em độ tuổi sơ sinh giữa 2 giới trong những thảm họa như bệnh dịch hay nạn đói. Cụ thể, trẻ em gái có tỉ lệ sống sót sau sinh cao hơn hẳn so với những bé trai.
Ngoài ra, số lượng phụ nữ cao tuổi cũng nhiều hơn hẳn nam giới.
Do đâu nữ "mạnh" hơn nam?
Các nhà nghiên cứu rút ra kết luận rằng cơ bản về mặt sinh học, phụ nữ "lì lợm" hơn nam giới.
Điều này có thể là do hormone sinh dục khác nhau ở 2 giới. Cụ thể, Estrogen còn có tác dụng làm giảm cholesterol trong huyết tương, giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch ở người phụ nữ... Trong khi đó testosterone lại là nguyên nhân tiềm tàng cho nhiều căn bệnh nguy hiểm, cũng như gây hại đến hệ miễn dịch.
Về mặt tiến hóa, các chuyên gia tin rằng phụ nữ có hệ thống miễn dịch tốt hơn bởi vì họ được "tôi luyện" qua 9 tháng sinh nở trong khi đàn ông không có.
Ngoài ra, những điểm khác nhau về văn hóa xã hội giữa hai giới cũng góp phần hình thành "sức mạnh" của nữ giới.
"Nam giới thường có máu liều hơn so với phụ nữ trong nhiều hoạt động và công việc, đây cũng chính là nguyên nhân góp phần gây chênh lệch tuổi thọ giữa hai giới", tiến sĩ Zarulli nói.
"Ngày nay, nam giới thường hút thuốc, uống rượu, sử dụng nhiều chất kích thích, đồng thời ăn uống không điều độ, dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh hô hấp, ung thư phổi, xơ gan và nhiều mối nguy hại chết người khác", tiến sĩ Zarulli thêm.
Giáo sư Max Headley chuyên ngành sinh lí học tại ĐH Bristol (Anh) nói thêm: "Phụ nữ thường có nhiều mỡ dưới da hơn và cơ thể có tốc độ trao đổi chất thấp. Do đó năng lượng của phái nữ có thể giữ được lâu hơn, tăng sức chịu đựng trong trường hợp có nạn đói".
Ngày nay, nhìn chung ở nhiều nơi, phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới. Nghiên cứu của nhóm tiến sĩ Zarulli đã cung cấp thêm một mảnh ghép cho bức tranh tổng thể về sự khác biệt giữa nam và nữ xét về tuổi thọ.
Theo Trọng Nhân (Tuổi Trẻ)