Vì sao lây cho nhiều người
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà– Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, siêu lây nhiễm là những người có khả năng lây cho nhiều người. Virus SARS-CoV-2 dễ lây lan nhất trong thời kỳ toàn phát. Bệnh nhân số 34 từ ngày 5/3 đã ho, khạc đờm sau đó sốt nhưng đến tận 9/3 bệnh nhân mới vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và cách ly.
Trong thời kỳ ho, khạc người xung quanh có tiếp xúc với người bệnh đã có nguy cơ nhiễm virus từ dịch tiết của cơ thể lúc ho, khạc, hắt hơi thậm chí nói chuyện to cũng có thể bắn ra các giọt bắn. Các giọt bắn này sẽ mang theo virus ra môi trường.
Những người tiếp xúc gần đều có nguy cơ lây nhiễm nếu không có khẩu trang hay tay tiếp xúc vào đồ vật dính dịch tiết của người bệnh thì đều có nguy cơ bị bệnh.
Khi tiếp xúc với người bệnh, nhiễm virus hay không còn tuỳ vào thể trạng của từng người chứ không phải ai tiếp xúc gần cũng nhiễm. Việc lây nhiễm bệnh còn phụ thuộc vào giai đoạn của người bệnh.
Với trường hợp này không thể khẳng định lý do vì sao lây nhiễm cho nhiều người. Lây nhiễm sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: thời tiếp xúc lâu hay ít, lượng virus trong bệnh nhân quá cao nên virus theo dịch tiết nhiều. Nhưng rõ ràng với mức độ lây như thế này có thể cho rằng "siêu lây".
Với bệnh nhân số 35, bệnh nhân cũng có hành trình từ khi khởi phát đến khi nhập viện cách ly tiếp xúc với nhiều người tiếp xúc gần và tiếp xúc xa nhưng hiện tại theo kết quả của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng thì hôm nay đã có kết quả âm tính 42 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân số 35.
TS Hà nhấn mạnh khả năng lây nhiễm không liên quan tới chủng virus khác hay độc lực.
Bài học từ ca lây nhiễm đặc biệt của tài xế taxi
GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết xác suất bị lây nhiễm còn tuỳ thuộc vào khả năng miễn dịch của cá nhân. Người có hệ miễn dịch tốt có xác suất bị nhiễm thấp hơn những người mà hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh đi kèm theo bệnh lý nền.
Câu chuyện về một tài xế taxi tại Thái Lan nhiễm Covid-19 được tập san NEJM đăng tải. Theo đó, ngày 20/1/2020, một tài xế taxi 51 tuổi có triệu chứng sốt, ho và đau cơ. Sau đó bệnh nhân này được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Từ khi bị sốt đến khi được cách ly, bệnh nhân này đã đi khám nhưng không ra bệnh và nghỉ ngơi ở nhà, tiếp xúc với người nhà.
Bệnh nhân báo cáo rằng ông không mắc bệnh đi kèm. Nhưng trong lúc khám bệnh và xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ông bị cao huyết áp và tiểu đường. Ông có tiếp xúc với một số du khách Trung Quốc. Các du khách này thường hay ho và đeo khẩu trang. Ông chưa từng đi Trung Quốc.
Bệnh nhân đã ổn định và xuất viện vào ngày 5/2/2020. Vợ, con và cháu ông đều ở chung nhà và họ hoàn toàn không có triệu chứng cũng như xét nghiệm đều âm tính cho SARS-CoV-2. 10 người thân khác của ông tất cả đều âm tính.
Điều này cho thấy: Thứ nhất, khả năng lây lan giữa người có thể xảy ra, cho dù người nghi bị nhiễm đeo khẩu trang.
Thứ hai, sự tấn công của virus có vẻ nhanh vì chỉ 5 -7 ngày sau là ông có triệu chứng, nhưng có lẽ do tình trạng bệnh tương đối nhẹ, nên ông chỉ nằm viện 5 ngày.
Thứ ba, không phải ai tiếp xúc với ông đều bị nhiễm và trong thực tế thì tất cả những người trong gia đình hay người ông tiếp xúc đều âm tính.
Tốt nhất là chúng ta làm theo khuyến cáo của các nhà chức trách y tế có kinh nghiệm thực tế và có cơ sở khoa học: Phòng ngừa bệnh bắt đầu từ cá nhân.
Có nhiều cách phòng ngừa dịch bệnh hết sức đơn giản mà bất cứ cá nhân nào cũng làm được và đã được các cơ quan y tế thế giới và Úc khuyên: Rửa tay thường xuyên, khi ho hay hắt hơi, phải dùng giấy hay ho vào khuỷu tay, tránh bắt tay trong mùa dịch; Tránh đến chỗ đông người (trên 20 người); Khi đi đại tiện, nhớ đóng nấp cầu; Tránh tiếp xúc động vật hoang dã, hay nếu tiếp xúc thì phải rửa tay ngay.
Theo Ngọc Anh (Báo Dân Sinh)