Có thể bạn chưa biết điều này, nhưng một số nghiên cứu cho thấy nam giới dễ bị tổn thương trước Covid-19 hơn so với nữ giới. Dưới đây, Phó giáo sư Nhi khoa Meghan E. Rebuli, Đại học Bắc Carolina (Mỹ), giải thích về hiện tượng này.
Bài viết được đăng tải lần đầu trên The Conversation - trang web chuyên đăng bài viết của các học giả và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.
Nếu bạn hỏi chị em phụ nữ rằng chồng/bạn trai họ khi bị ốm thường phản ứng như thế nào, họ thường sẽ nói: "Anh ấy như một đứa trẻ", "anh ấy rất nhõng nhẽo" hoặc "anh ấy toàn làm quá".
Nhưng có thể có một lời giải thích sinh học cho hành vi này.
Hiện tượng này đã được chứng thực trong một nghiên cứu đánh giá các nghiên cứu dịch tễ học lớn, cũng như trong các nghiên cứu về bệnh cúm ở động vật. Trong các nghiên cứu này, nam giới ốm lâu hơn khi bị cúm, với các triệu chứng nghiêm trọng hơn và phản ứng yếu hơn với vắc xin. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với động vật bị nhiễm virus cúm cũng cho thấy có sự khác biệt dựa trên giới tính trong phản ứng miễn dịch.
Vậy liệu sự khác biệt này có xảy ra ở những căn bệnh khác ngoài cảm lạnh và cúm không?
Là một nhà nghiên cứu về chất độc đường hô hấp và sự khác biệt về giới tính trong hệ hô hấp, tôi rất thích thú khi đọc một nghiên cứu gần đây về phản ứng giữa nam và nữ với COVID-19. Nghiên cứu này cho thấy rằng nam giới thực sự dễ bị tổn thương hơn và khổ sở hơn vì căn bệnh này.
Sự khác biệt giữa nam và nữ
Tỷ lệ mắc SARS-CoV-2 tương tự giữa nam và nữ, nhưng giới tính nam là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn và tử vong. Trên thực tế, một nghiên cứu đã tiết lộ rằng nam giới có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 2,4 lần . Tôi thấy thú vị là tỷ lệ tử vong cao hơn ở nam giới cũng xuất hiện trong các bệnh do virus corona khác gây ra như hội chứng hô hấp cấp tính nặng , do SARS-CoV gây ra.
Dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tính đến ngày 5 tháng 10 năm 2020, nguy cơ tử vong do COVID-19 ở nam giới 30-49 tuổi cũng cao hơn gấp đôi so với nữ giới.
Ở các nhóm tuổi khác, nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19 ở nam giới cũng cao hơn so với nữ giới cùng tuổi, nhưng nó không cao như ở nhóm tuổi 30- 49.
Điều này trái ngược với tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 gần như bằng nhau ở hai giới trong những nhóm tuổi đó, khiến các nhà khoa học tự hỏi tại sao nam giới lại có thể dễ tổn thương hơn.
Lý do nam giới có thể dễ tổn thương hơn trước COVID-19
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature tìm hiểu cách nam giới và nữ giới phản ứng khác nhau với COVID-19.
Nghiên cứu này đã kiểm tra các mẫu nước bọt và máu được thu thập từ những người khỏe mạnh hoặc bệnh nhân COVID-19. Những mẫu này được sử dụng để hiểu rõ hơn về phản ứng miễn dịch đối với COVID-19.
Tương tự như dữ liệu của CDC về tỷ lệ lây nhiễm, không có sự khác biệt giới tính trong nồng độ virus hoặc số lượng virus được quan sát thấy trong nước bọt. Cũng không có sự khác biệt về mức độ kháng thể ở nam giới và nữ giới nhiễm bệnh.
1. Nam giới mắc COVID-19 bị viêm nhiều hơn
Tuy nhiên, các tác giả đã xác định được sự khác biệt lớn về giới tính trong quá trình phản ứng miễn dịch sớm, xảy ra ngay sau khi một người nhiễm SARS-CoV-2.
Các mẫu máu được phân tích để truy tìm nhiều loại cytokine – các phân tử gửi tín hiệu giúp các tế bào miễn dịch phản ứng với tác nhân gây bệnh. Mức độ cytokine tăng và giảm để cung cấp phản ứng thích hợp chống lại mầm bệnh xâm nhập. Nhưng số lượng lớn các phân tử này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể. Đây là trường hợp của một cơn bão cytokine .Các tác giả nghiên cứu đã quan sát sự khác biệt về giới tính trong sức mạnh của phản ứng cytokine. Nam giới có mức độ cytokine gây viêm, như IL-8 và IL-18, cao hơn phụ nữ. Điều này có liên quan đến bệnh nặng hơn. Trong những trường hợp mắc COVID-19 nặng, chất lỏng tích tụ trong phổi , làm giảm lượng oxy trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tổn thương mô, sốc và có khả năng suy đa cơ quan.
2. Nữ giới mắc COVID-19 loại bỏ virus tốt hơn
Ngoài sự khác biệt về giới tính trong mức độ cytokine, các tác giả nghiên cứu cũng tìm thấy sự khác biệt về giới tính trong chức năng của tế bào miễn dịch.
So với nam giới, phụ nữ có số lượng tế bào T cao hơn được kích hoạt, đây là loại tế bào cần thiết để loại bỏ virus. Những người đàn ông có mức độ tế bào T thấp hơn được kích hoạt có nhiều khả năng mắc bệnh nặng hơn.
Do đó, có một số khía cạnh trong phản ứng miễn dịch của con người đối với SARS-CoV-2 khác nhau giữa nam và nữ. Hiểu được những khác biệt này có thể giúp các bác sĩ trong điều trị bệnh nhân và có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển các liệu pháp dành riêng cho từng giới tính.
Kết luận
Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên đi sâu vào sự khác biệt về giới tính trong cách phản ứng với SARS-CoV-2. Do có nguy cơ cao hơn đối với bệnh nặng và tử vong, nam giới càng phải nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng ngừa như giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang.
Việc tuân thủ tốt các biện pháp ngăn ngừa nhiễm virus, đặc biệt là ở nam giới, sẽ không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm mà còn chống lại nguy cơ gia tăng bệnh nặng và tử vong do COVID-19.
Thông điệp thực tế của nghiên cứu này là các nhà nghiên cứu cần xem xét các chiến lược để đảm bảo phương pháp điều trị và vắc xin đều hiệu quả như nhau cho cả nam và nữ, đặc biệt là khi có giới dễ bị nhiễm bệnh hơn giới khác.
Theo Trà My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)