PGS Nguyễn Lân Hiếu: 8 dấu hiệu F0 gặp nguy hiểm cần được cấp cứu

14/08/2021 23:07:15

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn ở mức cao, Bộ Y tế đã có chỉ đạo thí điểm điều trị F0 tại nhà ở những địa phương có số ca bệnh cao.

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, ở giai đoạn chống dịch xâm nhập, giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng (mục tiêu chính) và phát hiện sớm và điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng, việc cách ly điều trị toàn bộ F0 đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn dịch đã lây lan mạnh trong cộng đồng. Lúc này, vai trò giảm lây nhiễm vẫn cần nhưng trở nên không còn quá thiết yếu. Áp dụng cách ly điều trị toàn bộ F0 sẽ gây nên quá tải hệ thống y tế, giảm khả năng phát hiện sớm, can thiệp sớm các trường hợp diễn biến nặng. Lúc này, quản lý F0 tại nhà sẽ phát huy hiệu quả hơn.

PGS Nguyễn Lân Hiếu: 8 dấu hiệu F0 gặp nguy hiểm cần được cấp cứu
Điều trị F0 tại nhà sẽ giảm được quá tải bệnh viện, nhanh phục hồi, giảm nguy cơ tử vong - Ảnh minh họa tại BV Dã Chiến điều trị cho BN Covid-19.

PGS Hiếu đã đưa ra hướng dẫn F0 tạm thời tại nhà, cụ thể như sau: Cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và lực lượng y tế. Trong đó, lực lượng y tế đảm nhận 4 vài trò: 

1, Xác định các F0 có nguy cơ thấp; 

2, Theo dõi và hướng dẫn chăm sóc/tự chăm sóc F0 tại nhà; 

3, Can thiệp kịp thời khi có diễn biến xấu về sức khỏe F0 trong lúc chờ đưa đi bệnh viện; 

4, Xác định các F0 đã khỏi bệnh.

Tiêu chí F0 có nguy cơ thấp: Là những trường hợp không có dấu hiệu suy hô hấp (SpO2 >/=96%, nhịp thở<20l/p) và kèm theo tối thiểu 1 trong 2 điều kiện sau: Đã tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin >/= 14 ngày hoặc Đáp ứng đủ 4 yêu cầu sau: tuổi < 45, không có bệnh nền, đang không mang thai và không béo phì.

Theo dõi – hướng dẫn chăm sóc/tự chăm sóc F0 tại nhà: F0 bắt buộc phải có thiết bị đo SpO2 tại nhà. Nhân viên y tế cần phải lập danh sách F0 tại nhà để theo dõi: Sinh hiệu: mạch, nhiệt độ, nhịp thở, SpO2 và huyết áp (nếu có thể); Các triệu chứng: ho, rát họng, chảy mũi, đau người….Tần suất: tối thiểu 2 lần/ngày. 

Hướng dẫn F0 tự chăm sóc/chăm sóc.

"Cần phải điều trị các triệu chứng: hạ sốt, bù nước và điện giải. Phát hiện sớm các diễn biến xấu để liên hệ đưa đi Bệnh viện kịp thời: SpO2; Ý thức; Rối loạn nhịp mạch, HA….", PGS. Hiếu lưu ý.

Phát hiện sớm dấu hiệu cần được cấp cứu:

PGS. Hiếu cho biết, trong quá trình quản lý F0 tại nhà cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu chuyển nặng sau của bệnh nhân để đưa bệnh nhân đi cấp cứu sớm:

- Triệu chứng thần kinh: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả

- Hô hấp: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc nhịp thở nhanh > 25 lần/phút hoặc SpO2 ≤ 94%.

- Chi: Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân

- Da xanh, môi nhợt, lạnh đầu chi

- Toàn thân: Bất kỳ tình trạng bất ổn nào mà mình nghĩ rằng cần cấp cứu ngay

- Nhịp tim: > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút

- Huyết áp: HATT < 90 mmHg, HATTr < 60 mmHg.

- Đau ngực: Đau thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Dấu hiệu cấp cứu ở trẻ em:

- Tím tái

- Ho hoặc khó thở, thở nhanh: nhịp thở ≥ 60 lần/phút ở trẻ < 2 tháng; ≥ 50 lần/phút ở trẻ từ 2 - 11 tháng; ≥ 40 lần/phút ở trẻ từ 1 - 5 tuổi

- Toàn thân: Bất kỳ tình trạng bất ổn nào mà mình nghĩ rằng cần cấp cứu ngay

- Không thể uống, bú được.

- SpO2 ≤ 94%

- Thở rên, hoặc rút lõm lồng ngực

PGS. Nguyễn Lân Hiếu lưu ý, trong lúc chờ đưa F0 đi bệnh viện cần phải: Cung cấp ôxy nếu có thể trong khi chờ để đưa BN đi bệnh viện; Cân nhắc sử dụng steroid.

Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học y cũng đã đưa ra tiêu chí xác định các F0 khỏi bệnh

Nhóm không có triệu chứng: tối thiểu 10 ngày kể từ ngày có XN dương tính đầu tiên + 2 XN RT-PCR có CT >/= 30; 

Nhóm có triệu chứng: tối thiểu 14 ngày (3 ngày cuối không có triệu chứng) + 2 XN RT-PCR, có CT >/= 30.

Theo Ngọc Minh (Tổ Quốc)