Một vài năm gần đây, chế độ ăn ketogenic (gọi tắt là keto) đã đã làm mưa làm gió trong cộng đồng người giảm cân. Keto hấp dẫn mọi người vì họ sẽ không phải kiêng thịt, thậm chí ăn nhiều. Xúc xích, thịt xông khói, những bữa BBQ... người keto ăn thoải mái.
Điều kiện người keto không được phạm là không ăn tinh bột các loại tạo ra carbohydrate (carb). Các loại thực phẩm như cơm, ngô, khoai, sắn, bột mì, hoa quả có chứa đường thậm chí đường ẩn cũng không được dùng. Người keto ăn tăng các chất béo như các loại cốt dừa, cùi dừa già, nước cốt dừa, bơ, các loại dầu dừa, dầu cọ…
Theo TS Phan Hướng Dương – Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết chế độ ăn Keto được hiểu như chế độ ăn low-carb triệt để với mục tiêu dùng nguồn cung cấp calories hàng ngày từ chất béo, thay vì các thực phẩm chứa carbonhydrate và nạp một lượng tương đối protein.
Về nguyên lý, khi nguồn cung carbs bị cắt giảm, cơ thể sẽ chuyển sang đốt cháy lượng carbs dự trữ trong các cơ và rồi dần dần chuyển sang đốt cháy đến chất béo để lấy năng lượng, dẫn đến việc giảm cân hiệu quả.
TS Phan Hướng Dương cho biết ông gặp rất nhiều bệnh nhân đã từng Keto thành công. Họ đạt được mục đích là giảm cân nhưng sau đó rơi vào tình trạng giảm trí nhớ, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ. Hàng loại các vấn đề về chuyển hoá sau 1 thời gian keto giảm cân.
Có những hội keto hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Nhu cầu giảm cân rất lớn và nhiều người ngại luyện tập nhưng vẫn muốn cân nặng giảm nên tìm đến keto như 1 cứu cánh. Nếu thực hiện nghiêm thì sẽ giảm từ 2 – 3 kg/tháng.
Tuy nhiên, chế độ này lại mang lại những hậu quả mà người giảm cân không thể lường được.
Dưới đây là 3 tác hại được TS Dương chỉ ra:
Thứ nhất, bỏ tinh bột là sai lầm cực kỳ nghiệm trọng. Bỏ tinh bột khiến não khó hoạt động. TS Dương cho biết não của con người hoạt động nhờ glucozo. Não chỉ sử dụng glucozo, không sử dụng chất béo, protein.
Trung bình một người bình thường cần 130 gram bột đường mỗi ngày và trong số đó 50 – 60% chất bột đường được não huy động. Nếu chúng ta bỏ qua bột đường chính là cách làm sai lầm giảm cân giảm luôn cả não.
Khi não cần đường để hoạt động mà không có, cơ thể bắt buộc phải lấy nguồn từ protein, chất béo để chuyển hóa thành glucozo. Các chuyển hoá này thực hiện ở gan. Chất béo tạo nên quá trình ketois và gây ra toan chuyển hoá cho cơ thể.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo 1 ngày mỗi người cần phải ăn đủ 130 gram tinh bột tương đương với 1 lưng cơm mỗi bữa, nếu buổi sáng bạn ăn 1 bát phở tương đường 80 gram tinh bột thì buổi trưa, buổi chiều sẽ cắt giảm, nếu ăn cháo thì 1 bát cháo chỉ có 40 gram glucozo.
Thứ 2: Khi chúng ta ăn quá nhiều protein có nguồn gốc ni tơ, cơ thể không tiêu thụ được nên bắt buộc phải chuyển hoá qua gan và đào thải tại thận. Nếu ăn quá nhiều protein trong tương lai chắc chắn sẽ gặp vấn đề về gan và thận.
Thứ ba, khi keto, người bạn luôn cảm giác mệt mỏi, nôn nao, khó tập trung, đặc biệt trong tuần đầu thay đổi chế độ sử dụng năng lượng mới. Điều này được lý giải do chuyển đổi chế độ ăn quá đột ngột, khiến cơ thể khó thích ứng.
Một tác dụng phụ không mong muốn của chế độ keto là tình trạng đầy hơi hay táo bón, do chế độ ăn hạn chế tối đa chất xơ. Khi thực hiện chế độ ăn keto và cắt giảm lượng carbs nạp vào cơ thể, lượng insulin giảm thấp. Cùng với việc hạn chế rau củ, hoa quả, làm giảm đi canxi, magie, kali và nhiều loại vitamin. Hậu quả là những cơn co rút, đau mỏi cơ bắp, đặc biệt là ở vùng bắp chân.
Để kiểm soát cân nặng, TS Dương cho rằng mỗi người phải biết cân nhắc sao cho tỷ lệ các chất bột đường và chất béo, chất đạm phải tổng hoà chứ không phải kiêng hoàn toàn 1 chất như keto đang hướng tới. Một người cần giảm cân phải biết rõ nguyên nhân tăng cân vì sao.
Mỗi người cần chế độ ăn kiêng phù hợp với thể trạng, có bệnh mãn tính hay không. TS Dương khuyến cáo mọi người không nên tự ý bỏ 1 nhóm chất nào.
Theo Ngọc Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)