Văn hoá ẩm thực của người Việt Nam từ xưa tới nay luôn gắn liền với các loại gia vị, ngoài tác dụng làm dậy mùi thơm ngon của thực phẩm, gia vị còn có tác dụng điều hòa âm dương, hàn nhiệt của thức ăn. Trong đó, có 3 loại gia vị thường xuất hiện nhất trong các món ăn của chúng ta là củ riềng, tỏi và gừng.
Riềng, tỏi, gừng được trồng rộng rãi ở khắp vùng quê nước ta và có giá "rẻ như cho". Tuy nhiên, ít ai biết những loại củ này đều được coi là một nguyên liệu làm thuốc trong Đông y, thậm chí còn được khoa học hiện đại chứng minh có tác dụng phòng chống bệnh ung thư.
1. Củ gừng
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y gừng tươi được gọi là sinh khương, có vị cay, tính ấm. Có tác dụng tán hàn, long đờm, thường được sử dụng để chữa các chứng phong hàn và kích thích tiêu hóa.
Còn với y học hiện đại, nhiều nghiên cứu đã đánh giá gừng có thể trở thành một nguyên liệu ngăn chặn sự lây lan của các tế bào khối u đến các bộ phận khác của cơ thể, có tác dụng cho ung thư vú, đại tràng trực tràng, gan, phổi, tuyến tiền liệt, tuyến tụy...
Có hơn 100 hợp chất hoạt động được tìm thấy trong gừng. Chúng bao gồm gingerols, shogaols, zingerones, zerumbones, oleoresin hăng, terpenoid và flavonoid. Ngoài ra, có những hợp chất trong gừng có thể điều hòa các chất ức chế ung thư đồng thời làm giảm các gen và protein liên quan đến ung thư.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thành phần trong gừng tên là 6-shogaol có thể đem lại tác dụng vượt trội hơn so với hóa trị thông thường vì nó có thể nhắm mục tiêu các tế bào gốc ung thư vú.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học King Abdulaziz (Ả Rập Saudi) cũng đánh giá gừng có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư mà không gây ra tác dụng phụ nào. Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ Đại học bang Georgia (Mỹ) cho thấy chiết xuất từ gừng có thể làm giảm 55% kích thước khối u tuyến tiền liệt.
2. Củ riềng
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y riềng là loại củ có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị. Có nhiều tác dụng trong việc chữa khó tiêu, hắc lào, lang ben, tiêu chảy, ho, viêm họng, đau xương khớp... Củ riềng có thể sử dụng làm nguyên liệu để điều trị đau xương khớp, chữa ăn không tiêu, buồn nôn, chữa đau dạ dày do hư hàn...
Còn trong y học hiện đại, củ riềng được chứng minh đem lại công dụng chống tiểu đường, chữa viêm khớp, kiểm soát hen suyễn... và quan trọng nhất là công dụng chống 8 loại ung thư. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng ngăn chặn và đẩy lùi các loại ung thư và khối u khác nhau khi sử dụng củ riềng.
Loại củ này được các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia khác nhau như Đài Loan, Iran, Thái Lan... chứng minh là có khả năng ngăn ngừa 8 loại ung thư cụ thể là: ung thư dạ dày, bạch cầu, u ác tính, ung thư tuyến tụy, ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư gan và ung thư đường mật (ung thư ống mật).
3. Củ tỏi
Trong mâm cơm của người Việt, không khó để tìm ra những món ăn sử dụng tỏi như một gia vị chủ đạo, đó là rau muống xào tỏi, bò xào tỏi... Ngoài đem lại hương vị cho món ăn, tỏi còn được yêu thích vì tác dụng của chúng với sức khỏe.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho hay, trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn; chữa khí hư, tiểu tiện khó, bụng trướng đầy, tiêu nhọt, đờm và hạch ở phổi, tẩy uế.
Theo y học hiện đại, trong 100g tỏi có 67,7% nước, 6,0% đạm, 23,5% chất bột (ở khoai tây là 21,4), 1,5% celulo, 181mg phosphor và các vitamin B1, B2, PP... Vì thế nếu chăm chỉ ăn tỏi, bạn có thể thanh lọc cơ thể, lọc máu, chống cao huyết áp, tránh bệnh tim mạch, ngăn ngừa Alzheimer và đặc biệt là phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Nghiên cứu cho thấy, tỏi có tác dụng tuyệt vời trong việc phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa. Lý do bởi củ tỏi có thể ức chế quá trình nitrat biến thành nitrite trong dịch vị, ngăn cản sự hình thành nitrosamine, giúp phòng ngừa ung thư dạ dày.
Lưu ý khi sử dụng:
- Củ riềng:
Lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo riềng là loại củ có tính nóng nên phụ nữ có thai nên hạn chế sử dụng kẻo làm ảnh hưởng đến thể trạng, trước khi sử dụng bất cứ loại thảo dược nào để chữa bệnh bà bầu cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Củ tỏi:
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, những bệnh nhân gan, người bị tiêu chảy, huyết áp thấp, người đang mắc bệnh về mắt, người đang đói bụng... cần hạn chế dùng tỏi để không làm hại sức khỏe.
- Củ gừng:
Theo lương y Sáng: "Ăn nhiều gừng trong thời gian dài có thể sinh toét mắt, chảy nước mắt sống. Người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón… cũng không nên tiêu thụ gừng vì có thể khiến tình trạng nặng hơn".
Ngoài ra khi sử dụng, không nên gọt vỏ củ gừng mà chỉ nên rửa sạch dưới nước kẻo làm mất tác dụng quý báu của nó.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)