Những ngày qua, bên cạnh thời tiết nắng nóng với chỉ số tia cực tím cao vượt ngưỡng ở TP.HCM, Hà Nội cũng liên tục ghi nhận chất lượng không khí ở mức xấu, thậm chí nguy hại.
9h sáng 30/3, AQI - chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3 - ở Hà Nội tiếp tục ghi nhận ở mức kém. Trước đó, 10h sáng 27/3, chỉ số AQI được cảnh báo là 310 (mức nguy hại); ngày 28/3 là 27/7 (mức rất xấu).
Liên quan vấn đề ô nhiễm không khí nói chung ở nhiều nơi, các chuyên gia y tế cảnh báo nó có thể gây ra hàng loạt bệnh.
Bệnh hô hấp
Trao đổi với PV sáng 30/3, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM - cho hay ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe con người, song ít người để ý.
Nó ảnh hưởng hệ hô hấp đầu tiên, gây viêm đường hô hấp trên như tai mũi họng. Bệnh nhân thường xuyên nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, nặng hơn có thể gây tình trạng dị ứng, hen suyễn.
Mũi là "cửa ngõ" của đường hô hấp, vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan "cửa ngõ" này rất dễ xuất hiện và thực sự khó kiểm soát.
Tim mạch
PGS Nam cũng khuyến cáo chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim…
“Các chất ô nhiễm này là những chất độc tính xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào trong máu, cơ thể, ngấm vào các thành mạch, gây ra tình trạng xơ vữa. Chúng có thể tác động gây bệnh tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, phế quản. Về lâu dài, chúng sẽ lấp đầy trong phổi, xơ cứng phổi, 5-10 năm sau mới phát bệnh”, PGS Nam phân tích.
Bác sĩ này cho biết từng điều trị cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường ô nhiễm như lò than, nhà máy xi măng với các bệnh lý về phổi. Thậm chí, có những bệnh nhân xơ cứng phổi, khi rửa cho nước đen như nước cống.
Bệnh da liễu
PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, khuyến cáo bụi không khí do ô nhiễm là tác nhân gây các bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm da…
Chúng là nơi chứa nhiều mầm bệnh, tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người nếu tiếp xúc lâu dài và tùy theo cơ địa của từng người sẽ có các bệnh lý khác nhau.
Viêm giác mạc
TS.BS Đỗ Quang Ngọc, Bệnh viện Mắt Trung ương, thông tin bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi.
Do đó, bác sĩ khuyên khi ra ngoài, đặc biệt những người trực tiếp làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ mắt tốt hơn.
“Trong các bộ phận, mắt là nơi tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với bụi bặm. Chúng là tác nhân khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm, đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh”, bác sĩ Ngọc cho hay.
Bệnh tiêu hóa
Những người sống trong khu vực bị ô nhiễm không khí nặng rất dễ mắc các bệnh đau bao tử, đường ruột, tiêu chảy do nguồn thức ăn, thực phẩm nhiễm khuẩn.
Ung thư
Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho hay tình trạng ô nhiễm, bao gồm ô nhiễm thông thường do khói bụi, là tác nhân gây viêm đường hô hấp, viêm phế quản, phổi, hen, phổi tắc nghẽn mãn tính.
Tại buổi tọa đàm về chất lượng không khí ở Hà Nội, do Đại sứ quán Mỹ tổ chức mới đây, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), cho rằng Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và 209 trong tổng số 3.000 thành phố được xếp hạng về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5, theo báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới 2018.
TP.HCM xếp thứ 15 Đông Nam Á và 455 trên thế giới.
GS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - cũng cho biết ung thư có nguyên nhân 80% xuất phát từ môi trường sống, trong đó có ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, chất phóng xạ…
Chúng gây nên sự đột biến tế bào, tạo nên tế bào ung thư.
Theo các chuyên gia, người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy, cần giữ nguyên tắc:
- Đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường.
- Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể.
- Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay.
- Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn.
- Hạn chế đi ra ngoài.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí gồm các mức:
- Mức tốt (0- 50) không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Mức trung bình (51-100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức kém (101-200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức xấu (201-300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
- Mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Theo Hà Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)