Mỡ lợn không chỉ là nguyên liệu chế biến món ăn mà còn là thuốc chữa bệnh trong Đông y
Mỡ lợn là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng, đáng được tôn vinh hơn là bài trừ ra khỏi chế độ ăn. Theo TS Từ Ngữ (Tổng Hội Thư ký Dinh dưỡng Việt Nam), chất béo bão hòa trong mỡ lợn có chức năng dinh dưỡng quan trọng như cung cấp năng lượng và các thành phần quan trọng của tế bào. Nó cũng có thể thúc đẩy sự hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin D.
Ngoài ra, mỡ lợn cũng có thể chứa một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như vitamin E, vitamin A, kẽm... chưa kể mỡ lợn có hương vị đặc biệt có thể giúp ăn ngon miệng hơn, cải thiện ăn uống...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, mỡ lợn sạch, nguyên chất thực sự là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe trẻ em. Với người lớn, sử dụng điều độ, đúng cách, mỡ lợn cũng đem lại nhiều lợi ích. Không phải cứ nhắc đến mỡ lợn là cứ phải nghĩ ngay đến thực phẩm xấu, thực phẩm gây hại tim mạch... như nhiều người vẫn hiểu lầm trong thời gian qua.
Hơn cả chức năng của một loại thực phẩm thông thường, mỡ lợn còn được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), mỡ lợn là một vị thuốc được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh mà y học cổ truyền vô cùng trân quý.
Lương y Bùi Hồng Minh nhận định, trong Đông y, mỡ lợn có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết nhuận táo, hành thủy tán phong, giải độc. Mỡ lợn được sử dụng để giải độc thịt trâu bò, gan từ các loại động vật khác rất tốt. Ngoài ra, mỡ lợn còn có tính sát trùng, lợi trường, hoạt sản, trị sang chứng (mụn nhọt).
Vị lương y khẳng định: "Mỡ lợn không chỉ là thực phẩm để xào nấu các món ăn hàng ngày mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Mỡ lợn nếu được chế biến đúng cách, đảm bảo mỡ sạch, nguyên chất sẽ cung cấp nguồn chất béo phong phú với lượng calo cao cho cơ thể".
Y học hiện đại cũng ghi nhận, mỡ lợn mặc dù có chất béo bão hòa nhưng cũng rất giàu vitamin B, vitamin D và các khoáng chất tốt cho sức khỏe, nó thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể. Lượng vitamin D trong mỡ lợn có tác dụng giúp cải thiện chức năng tim mạch, duy trì sức khỏe của phổi và hô hấp, tăng cường chức năng cơ bắp và giúp cơ thể phòng chống nhiễm trùng.
Mỡ lợn có thể làm thuốc chữa bệnh theo những cách nào?
Để làm thuốc chữa bệnh từ mỡ lợn, Đông y đưa ra một số bài thuốc như sau:
- Khó đại tiểu tiện: Lấy lượng mỡ to bằng quả trứng gà, cắt nhỏ, đun cùng với 50ml rượu, sau đó tiếp tục đun sôi vài lần, chia uống 2 lần cho đến khi giảm triệu chứng bệnh.
- Ho gió ho khan: Mỡ lợn 120g, rán chín, cắt nhỏ, ăn cùng với dấm đỗ tương.
- Ho nhiều khàn tiếng: Thịt mỡ lợn 60g, nấu thành mỡ nước, thêm 60g mật ong đun sôi, bảo quản trong lọ sứ, mỗi ngày pha 1 thìa với nước nóng ấm để uống.
- Da tay chân nứt nẻ: Mỡ pha với rượu nóng bôi vào chỗ nứt nẻ.
- Táo bón: Mỡ lợn, hạt đông quỳ số lượng vừa đủ dùng, tán nhỏ, làm thành viên hoàn, mỗi viên 9g, mỗi ngày uống 2-3 lần, 1 viên/lần.
- Hiếu động thái quá, chậm nói (một triệu chứng tự kỷ): 500g mỡ lợn lọc trước, mật ong 500g, đun cô đặc, bảo quản lạnh và sử dụng mỗi lần 1 thìa.
- Phụ nữ sau sinh thể chất yếu: Mỡ lợn, nước gừng, mật ong mỗi loại 60ml, rượu trắng 50ml, nấu cô đặc thành cao, sử dụng theo nhu cầu. Uống kèm rượu trắng mỗi lần khoảng 9g.
- Người có vấn đề dạ dày như axit dạ dày, đói bụng bị đau dạ dày: Mỡ lợn 60g, 30g đường phèn, hấp chín mềm để ăn vào buổi sáng.
Lưu ý khi sử dụng mỡ lợn
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), để mỡ lợn thực sự tốt cho sức khỏe cũng như phát huy vai trò là thuốc chữa bệnh, mọi người cần nắm rõ những lưu ý sau:
- Mặc dù mỡ lợn rất tốt nhưng chỉ sử dụng với liều lượng đủ khi chế biến món ăn. Tuyệt đối không lạm dụng vì có thể khiến thừa cân, béo phì ngoài mong đợi.
- Nên nấu nướng phối kết hợp với dầu ăn theo tỷ lệ 1:1 trong chế độ ăn uống hàng ngày vì nếu sử dụng hoàn toàn bằng mỡ lợn cũng không hề tốt, bởi mỡ lợn chứa lượng chất béo bão hòa khá cao, dễ gây ra bệnh tim mạch, ở nhóm người cao tuổi cần dùng cẩn trọng hơn.
Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)