Tiểu Chu (32 tuổi) sống tại Đài Bắc, Đài Loan, xuất hiện tình trạng nướu lợi sưng phù, chảy máu. Nghĩ rằng do áp lực công việc nên cô đã đến phòm khám răng điều trị. Khi phát hiện phía sau chiếc răng khôn là một mô thịt phù nề, nha sĩ đã nghi ngờ tình trạng của Tiểu Chu không đơn giản nên khuyên cô đến bệnh viện chuyên khoa National Taiwan University Hospital khám.
Sau một ngày tiến hành xét nghiệm máu, Tiểu Chu nhận được bác sĩ Điền Huệ Phân thông báo mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML). Nếu Tiểu Chu không tiếp nhận điều trị, cô sẽ chỉ có thể sống thêm 3 tháng.
Tiểu Chu chia sẻ: "Ngày có kết quả chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, tôi có cảm giác như mây mù giăng lối. Nha sĩ chính là quý nhân vì đã khuyên tôi đến bệnh viện chuyên khoa khám, và tôi cũng biết ơn bác sĩ Điền Huệ Phân đã trực tiếp điều trị cho tôi. Hiện tại, tôi sẽ luôn có thái độ lạc quan và tích cực để chống chọi với bệnh ung thư".
Bác sĩ Điền Huệ Phân, bệnh viện National Taiwan University Hospital, cho biết, bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương được xem là một trong số căn bệnh ung thư máu khó điều trị, diễn biến nhanh, triệu chứng không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu cảm lạnh, lão hóa, đa số bệnh nhân khi được chẩn đoán đều ở giai đoạn cuối.
Các tế bào máu chưa trưởng thành tăng sinh và tích tụ trong máu và tủy xương, tế bào ung thư máu di căn khắp cơ thể và thay thế các tế bào máu bình thường dễ dẫn đến trường hợp bệnh nhân có biểu hiện xanh xao, thở hổn hển, lượng kinh nguyệt của phụ nữ sẽ tăng lên và kéo dài lâu hơn. Các tế bào máu bất thường tích tụ trong tủy xương có thể gây nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, cũng có thể khiến người bệnh tử vong do sốc nhiễm trùng.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần lưu ý triệu chứng thường gặp của bệnh AML là sắc mặt người bệnh nhợt nhạt, mệt mỏi, sốt, cơ thể bầm tím, chảy máu và đau nhức xương. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên thì bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện khám và điều trị.
Mỗi năm có 800 bệnh nhân mắc mới bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML), nhóm đối tượng dễ mắc bệnh là người già trên 65 tuổi, nhưng cũng không hiếm trường hợp là người trẻ tuổi. Trong số đó, khoảng 30% bệnh nhân trung niên từ 40 đến 65 tuổi và nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy
Mặc dù nguyên nhân gây bệnh bạch cầu cấp dòng tủy chưa được biết rõ, nhiều yếu tố đã được xác định làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh, bao gồm:
Tuổi: Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy phổ biến ở những người lớn tuổi và có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi. Hơn một nửa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trên 65 tuổi.
Hút thuốc lá: Nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy tăng cao khi có phơi nhiễm với khói thuốc, ngay cả khi hít phải khói thuốc lá một cách thụ động.
Đột biến gen: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh bạch cầu xuất hiện ở các thành viên trong cùng một gia đình do các đột biến gen có tính di truyền. AML xuất hiện phổ biến hơn khi có các bất thường có tính di truyền sau đây:
Hội chứng Down.
Hội chứng Li-Fraumeni.
Chứng thất điều - giãn mạch.
Thiếu máu Fanconi.
Hội chứng Wiskott-Aldrich.
Hội chứng rối loạn tiểu cầu có tính gia đình (Familial Platelet Disorder - FPD).
Tia xạ: Những người tiếp xúc với tia xạ liều cao có khả năng mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy cao hơn. Điện thoại di động không phải là yếu tố nguy cơ rõ ràng của bệnh.
Điều trị ung thư trước đó: Các phương pháp hóa trị và xạ trị điều trị các bệnh lý ác tính khác như ung thư vú, ung thư buồng trứng, và u lympho làm tăng nguy cơ mắc bệnh trong nhiều năm sau điều trị.
Hóa chất: Tiếp xúc lâu với các hóa chất chứa benzen cũng làm tăng khả năng mắc bệnh AML.
Các rối loạn tủy xương khác: Người mắc các bất thường liên quan đến tủy xương bao gồm cường huyết cầu do rối loạn tủy xương (myeloproliferative disorders) có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Theo Tú Uyên (Pháp Luật & Bạn Đọc)