Tôi có thói quen uống nước dừa khoảng 3 lần/tuần để mát trong người. Gần đây tôi được chẩn đoán bị bệnh huyết áp, người nhà không cho uống nước dừa nữa vì cho rằng sẽ có hại cho sức khỏe. Tôi mong được bác sĩ tư vấn kỹ hơn. (Trần Thị Hồng, 60 tuổi, Đồng Nai)
Đại tá, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) tư vấn:
Nước dừa có khả năng giải nhiệt và cung cấp năng lượng cho cơ thể trong thời tiết nóng bức. Thức uống này chứa nhiều chất dinh dưỡng như kali, natri, canxi, magie và vitamin C, giúp tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể uống nước dừa thoải mái mà tùy tình trạng sức khỏe, cần cân nhắc thời gian và liều lượng sử dụng. Cụ thể như:
Người bị tiểu đường: Nước dừa có hàm lượng đường tự nhiên cao. Người bị tiểu đường nên hạn chế uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
Người mắc các bệnh lý thận: Nước dừa có hàm lượng kali cao, do đó người có bệnh lý thận, tăng kali máu nên hạn chế uống nước dừa hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.
Người bị dị ứng với dừa hoặc chất béo: Nên uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ.
Người bị rối loạn tiêu hóa: Vì nước dừa có khả năng kích thích tiêu hóa nên người bị rối loạn tiêu hóa cần hạn chế sử dụng.
Người bị tăng triglycerides: Bạn nên hạn chế uống nước dừa hoặc chỉ uống một lượng nhỏ do nước dừa có hàm lượng chất béo và triglycerides cao.
Ngoài ra, uống nước dừa quá nhiều có thể gây rối loạn đường tiêu hóa và đường huyết. Vì vậy, một người không nên uống quá 2 ly nước dừa trong ngày.
Theo PV (VietNamNet)