Ngày 13/11, BVĐK Đức Giang (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (48 tuổi, Hưng Yên) bị lác mắt trái đột ngột. Trước đó, bệnh nhân chưa có tiền sử bệnh lý gì đặc biệt, thể trạng gầy từ trước.
Một tuần trước khi vào viện, bà T có biểu hiện mờ mắt, chóng mặt, đau đầu, nhìn mờ, chảy nước mắt bên trái, mắt trái nhắm không kín, không nhìn ra ngoài bên trái được.
Khám lâm sàng cho thấy, bà T bị lác ngoài trái, nhìn đôi, mất hội tụ nhãn cầu. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm chẩn đoán và được điều trị tại khoa Nội tổng hợp với chẩn đoán Basedow biến chứng mắt.
Qua 10 ngày điều trị bệnh nhân ra viện trong tình trạng hai mắt nhìn và hoạt động bình thường, không còn dấu hiệu nhìn đôi, lác ngoài trái. Hiện tại bệnh nhân vẫn đang được theo dõi và điều trị ngoại trú tại phòng khám Nội tiết - Đái tháo đường, khoa Nội tổng hợp, BVĐK Đức Giang.
Bệnh Basedow là bệnh thuộc bệnh lý tuyến giáp với nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh Graves, bệnh Parry, bệnh cường giáp tự miễn…
Bệnh xuất hiện do tuyến giáp sản xuất quá nhiều hóc môn giáp trong máu gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa. Bệnh thường ảnh hưởng đến tuyến giáp, làm phì đại tuyến giáp lên (bướu cổ), gây triệu chứng cường giáp với các triệu chứng như: Tăng nhịp tim, yếu cơ, mất ngủ hoặc khó ngủ và tính tình dễ bị kích thích.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến mắt, gây lồi mắt và ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác bao gồm: Da, tim, tuần hoàn và thần kinh. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là độ tuổi 20-40, thường gặp nhiều ở nữ giới.
Bệnh Basedow được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm hóc môn tuyến giáp tăng cao và hóc môn kích thích tuyến giáp-TSH giảm trong máu. Đôi khi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể các bác sĩ có thể chỉ định thêm xạ hình tuyến giáp hoặc một vài xét nghiệm khác như TRAb.
Triệu chứng của bệnh Basedow
Basedow có 3 biểu hiện chính: bướu giáp, hội chứng cường giáp và biểu hiện mắt. Bệnh biểu hiện khác nhau tùy từng bệnh nhân. Bệnh có khi xảy ra rất nhanh chỉ trong vòng vài tuần hay ít hơn nữa, nhưng thường tăng dần trong nhiều tháng thậm chí nhiều năm trước khi bệnh nhân thấy.
Trong đó, hội chứng cường giáp là triệu chứng chính của Basedow, do tăng sản xuất quá mức các hormone tuyến giáp. Bệnh nhân dễ nóng giận, nói nhiều; vận động nhiều hay mệt, run tay, yếu cơ và có thể teo cơ; tăng tiết mồ hôi tay…
Biểu hiện mắt có thể bắt đầu trước hoặc sau khi được chẩn đoán Basedow 6 tháng. Bệnh do thâm nhiễm tế bào Lympho đi kèm với phù nề của các mô ở hốc mắt và sau nhãn cầu gây ra lồi mắt hay còn gọi là bệnh mắt Basedow.
Lồi mắt có thể rất nhiều trên những bệnh nhân có bướu cổ nhỏ và ngược lại có thể lồi rất ít trên những bệnh nhân bướu cổ to. Lồi mắt thường xảy ra ở cả 2 mắt, đôi khi rõ rệt hơn ở một bên. Cũng có những bệnh nhân chỉ bị lồi một bên mắt nhưng rất hiếm gặp.
Điều trị ra sao?
Hiện nay có nhiều phương pháp và phương tiện để điều trị bệnh Basedow như dùng thuốc kháng giáp hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Việc chọn lựa phương pháp nào điều trị hay phẫu thuật thì tùy thuộc kinh nghiệm của thầy thuốc, sự dung nạp thuốc và tuân thủ của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Khi thuốc không đáp ứng hoặc đáp ứng kém thì bệnh nhân cần chuyển sang điều trị phẫu thuật.
Đặc biệt những tổn thương lồi mắt trong bệnh Basedow sau quá trình điều trị rất ít được cải thiện triệu chứng lồi vì vậy cần được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm.
Khi có các triệu chứng phổ biến của chứng cường giáp chủ yếu là mất ngủ hoặc khó ngủ, run tay, gầy sút, ngoài ra giảm cân đột ngột mặc dù tăng sự thèm ăn, tiêu chảy và đại tiện thường xuyên hơn, tim đập mạnh, cơ bị yếu khó hoạt động như trước, da ấm và có cảm giác ẩm người bệnh hãy đi khám ngay để phát hiện và điều trị trước khi xuất hiện các biến chứng nặng.
Dấu hiệu điển hình ở mắt:
- Stellwag: mi mắt nhắm không kín.
- Dalrymple: co cơ mi trên gây hở khe mi.
- Von Graefe: Mất đồng tác giữa nhãn cầu và mi trên (co cơ mi trên khi mắt nhìn đưa xuống dưới)
- Moebius: giảm hội tụ nhãn cầu gây nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn.
Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)