BS Võ Thị Tuyết Nhung, khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện (BV) Trưng Vương (TP.HCM) cho biết thông tin này vào ngày 8/11.
Bệnh nhân là T.N.T (19 tuổi, ngụ quận 2), sinh viên tại một trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 16h ngày 2/11 nghe lời bạn giới thiệu, nữ sinh T. đến cơ sở thẩm mỹ hành nghề trên một chung cư ở quận 4 để đặt vấn đề nâng mũi.
Tại đây, T. được người nam chừng 20 tuổi tư vấn chích filler nâng mũi với lời hứa hẹn sẽ nhanh có sóng mũi cao vút.
T. nhanh chóng chấp thuận và được tiêm khoảng 1,5 ml "chất gì không biết" vào mũi, với giá 2.3 triệu đồng. Ban đầu cô gái không thấy gì nên trở về nhà và đi chơi với bạn.
Tuy nhiên sau đó 1 ngày thì mũi bệnh nhân sưng và đau nhức, nóng đỏ, đồng thời vùng mắt phải cũng sưng bầm. Bệnh nhân đến cơ sở thẩm mỹ phản ánh thì được biết nhân viên tiêm làm cho mình được truyền nghề từ những người bạn chơi chung và đều là học viên.
Bệnh nhân được trấn an triệu chứng trên mặt chỉ là bình thường nên về nhà.
Khoảng 22g đêm 5/11 khi thấy tình trạng ngày một nặng hơn, T. đến BV Trưng Vương cấp cứu với tổn thương nhiễm trùng hoại tử da 2/3 trên vùng mũi, sưng xung quanh mắt phải, vết thương tiết dịch.
Các BS cho bệnh nhân điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chăm sóc vết thương tại chỗ. Hiện sau thời gian điều trị bệnh nhân đã hết đau, hết tiết dịch, bớt đỏ. Diện tích bầm từ 2x5cm thu gọn lại khoảng 2x3cm.
"Ca này không chích thuốc giải vì vào viện ngày thứ 3 sau khi tiêm chất làm đầy nâng mũi nên đã trễ và bị nhiễm trùng hoại tử rồi. Chất làm đầy tiêm vào cũng không rõ loại, không rõ nguồn gốc.
Sắp tới bệnh nhân sẽ được cắt bỏ phần da chết, phẫu thuật tạo hình lại. Điều này chắc chắn sẽ làm để lại sẹo xấu trên vùng mũi. Chúng tôi cố gắng để tổn thương ở mức độ tối thiểu, cải thiện sẹo sau này" - BS điều trị cho biết.
Theo các BS, người dân nếu muốn tiêm chất làm đầy hay làm đẹp nên tránh xa những cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép hành nghề của ngành y tế, người thực hiện không phải là nhân viên y tế, không được cấp phép hành nghề.
Nếu chẳng may gặp biến chứng khi tiêm chất làm đầy nên tới BV sớm nhất có thể để được chích thuốc giải để làm hạn chế tổn thương mạch máu, giảm hoại tử da.
Cụ thể với tổn thương da thì trong 6 tiếng phải tiêm thuốc giải, với nghi ngờ tổn thương mắt thì thời gian trong vòng 60-90 phút nhưng cứu được mắt rất khó, nhiều trường hợp bị mù mắt.
Chỉ trong một tuần trở lại đây, BV Trưng Vương tiếp nhận đến 4 trường hợp tiêm chất làm đầy, tiêm chất trắng da không rõ nguồn gốc, thậm chí cấp cứu vì tiêm silicon vô mông.
"Tỷ lệ tai biến gần đây ngày càng nhiều, tuần nào cũng có các ca biến chứng. Một số thủ thuật làm đẹp tưởng chừng đơn giản nhưng rất dễ biến chứng, không lường được.
Người dân cần tìm hiểu kỹ về cơ sở thực hiện, chất mình tiêm vào cơ thể là chất gì. Khi tiêm rất rẻ tiền nhưng xảy ra biến chứng, khắc phục hậu quả thì tốn kém nhiều và để lại ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần" - BS cảnh báo.
Trước đó vào ngày 18/9, một nữ sinh viên tên L. (20 tuổi, quê Bình Dương) phải cấp cứu trong tình trạng vùng da cơ từ mũi đến mắt trái bị ửng đỏ, có dấu hiệu hoại tử, mắt trái không còn thấy gì.
Đây là hậu quả của việc bệnh nhân đi tiêm filler nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) với giá 600 ngàn đồng.
Theo Hoàng Lê (Thời Đại)