Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tự sát gồm ý tưởng tự sát (xuất hiện ý định tự sát trong đầu, chưa có hành vi); toan tự sát (người bệnh đã suy nghĩ về việc tự làm mình chết, sau đó có những hành vi tự sát nhưng không hoàn thành) và tự sát hoàn thành (người bệnh đã tự thực hiện hành động cố ý gây ra cái chết cho bản thân).
BSCK2. Nguyễn Hoàng Yến, Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin, ở Mỹ, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi 10-19 tuổi. Ở Việt Nam, tự sát là 1/10 trong nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi.
BS Hoàng Yến cũng cho biết, ở lứa tuổi vị thành niên, ý tưởng tự sát và toan tự sát gặp ở nữ sinh cao hơn nam sinh. Tuy nhiên, nam sinh gặp tự sát hoàn thành phổ biến hơn.
Lý giải về điều này, BS Hoàng Yến chia sẻ, khi gặp vấn đề liên quan tự sát, các bé gái thường chọn phương thức tìm hỗ trợ, chia sẻ với người thân, bạn bè. Nhờ vậy, người xung quanh phát hiện ý định của nạn nhân và có hành động ngăn ngừa tự sát ở bé gái.
Với các bé trai, khi gặp vấn đề, các em thường ít tiềm kiếm hỗ trợ, chia sẻ với người xung quanh. Đồng thời, quá trình thực hiện hành vi tự sát, nam giới cũng thường chọn phương thức có tính sát thương cao hơn so với nữ giới.
Tương tự, BSCK2. Hồ Thu Yến, Phó phòng M5- Viện Sức khỏe Tâm thần, cũng cho rằng, nguyên nhân phụ thuộc tâm sinh lý khác biệt của nam và nữ. Lúc lo âu, buồn chán, các nữ sinh thường tìm người chia sẻ, tâm sự còn nam sinh thường tự mình giải quyết rắc rối.
Điều này cũng cho thấy vai trò rất quan trọng của bạn bè, gia đình, giáo viên… trong việc ngăn ngừa hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên.
BSCK2. Hồ Thu Yến cũng chia sẻ, Viện Sức khỏe Tâm thần từng tiếp nhận trường hợp học sinh có mắc chứng trầm cảm, có ý muốn tự sát do giáo viên, nhà trường phát hiện, liên hệ đến bệnh viện.
BS Thu Yến cũng dẫn chứng thêm một trường hợp gia đình chưa biết cách quan tâm, không nhận thức được vấn đề con gặp phải.
Đó là một học sinh lớp 12, có kết quả học kém, giảm tập trung chú ý nhưng gia đình không chú ý đến những biểu hiện khác thường của em. Khi em đề nghị được đi khám, người mẹ gạt đi, xem đây là chuyện “vớ vẩn, không cần thiết”. Cuối cùng nhờ một người chị họ hiểu biết về căn bệnh trầm cảm, thuyết phục, em mới được gia đình cho đi khám.
BSCK2. Nguyễn Hoàng Yến thông tin thêm, thanh thiếu niên có toan tự sát và tự sát hoàn thành phần lớn sẽ có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tâm thần tại thời điểm đó.
Năm 2009, khi nghiên cứu nhóm người có toan tự sát tại vùng nông thôn Việt Nam, có 92% những trường hợp có rối loạn tâm thần này không được chẩn đoán tại thời điểm toan tự sát.
Trong các rối loạn tâm thần, rối loạn trầm cảm là bệnh lý thường gặp nhất. Ở trầm cảm, 2/3 trong số bệnh nhân có ý tưởng tự sát.
Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như giảm sút học hành, giảm quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội hoặc các hành vi mang tính chống đối: bỏ học, sử dụng chất kích thích…
Theo các chuyên gia, tự sát có thể phòng ngừa. Để xác định trẻ vị thành niên có ý tưởng tự sát, chúng ta có thể sử dụng 4 câu hỏi để xác định. Đó là: Trong vòng một vài tuần qua, đã lúc nào em ước mình chết đi?/Trong vòng một vài tuần qua, em cảm thấy bản thân hoặc gia đình sẽ tốt hơn nếu em chết đi?/Trong vòng tuần qua, em đã từng có ý nghĩ về việc tự sát không? Và Em đã từng cố gắng tự sát chưa?
Nếu trẻ đã có ý tưởng tự sát cần xác định nguy tự sát, đánh giá một số thông tin như: Nội dung và sự dai dẳng của ý tưởng tự sát; Đã có và mức độ chi tiết của kế hoạch tự sát và Mức độ của sự nỗ lực tự sát.
Các bác sĩ cũng đưa ra trường hợp trẻ cần nhập viện chuyên khoa tâm thần để đánh giá và bắt đầu điều trị. Đó là những trẻ có:
Toan tự sát bằng phương pháp gây sát thương cao.Toan tự sát gồm những bước để tránh bị phát hiện.Đang có ý tưởng tự sát hoặc thất vọng sau khi toan tự sát không hoàn thành.Không có khả năng thảo luận công khai và trung thực về toan tự sát và điều gì dẫn đến việc đó.Không có khả năng thảo luận về kế hoạch an toàn.Thiếu các lựa chọn thay thế để theo dõi và điều trị đầy đủCác rối loan tâm thần: trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực…Kích động, bốc đồng; Tuyệt vọng trầm trọng; Thiếu sự hỗ trợ
Điều trị ngoại trú cho những trẻ có nguy cơ thấp hơn như vui mừng vì còn sống và không có kế hoạch cụ thể và ý định tự sát tiếp theo. Việc điều trị ngoại trú cần có sự tham gia của gia đình để thường xuyên theo dõi bệnh nhân; Hạn chế tất cả các phương tiện có thể gây sát thương; Đảm bảo theo dõi sức khỏe tâm thần bệnh nhân trong vòng 48h…
Những dấu hiệu thường có ở người có hành vi tự sát:
- Ngôn ngữ có lời trực tiếp: thể hiện bằng ý định từ bỏ cuộc sống hoặc cảm thấy mọi thứ đều vô vọng và mong muốn kết thúc tất cả.
- Ngôn ngữ có lời gián tiếp: có thể thể hiện qua những câu nói như "không thấy bất cứ điều gì đáng sống", "chúng ta có lẽ sẽ không gặp nhau nữa"…
- Ngôn ngữ trực tiếp không lời: như mua trữ thuốc, vũ khí..
- Ngôn ngữ gián tiếp không lời: viết thư tuyệt mệnh, vun vén công việc cá nhân, cho những vật gắn bó yêu quý, liên hệ các cơ sở y tế...
BSCK2. Nguyễn Hoàng Yến (Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai)
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)