Di Băng là một nữ ca sĩ từng được nhiều khán giả yêu mến. Cô kết hôn với ông xã là đại gia bất động sản vào năm 2012. Sau khi kết hôn, Di Băng cũng không còn hoạt động nghệ thuật nhiều, cô tập trung kinh doanh và sinh 3 "tiểu công chúa" vào các năm 2013, 2016 và 2020. Cuộc sống làm mẹ của nữ ca sĩ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của mọi người.
Mới đây trên trang cá nhân, Di Băng đã đăng tải một tấm ảnh chụp phiếu siêu âm với dòng kết luận: "01 thai ngừng tiến triển trong tử cung, 6-7 tuần". Kèm theo đó là những dòng chia sẻ: "Ở với mẹ hết hôm nay, mai hãy về thiên đàng con nhé. Từ ngày biết có con đến giờ, ba mẹ mong từng ngày được nghe nhịp tim của con.
Thế nhưng đã qua 5 lần siêu âm rồi, mẹ vẫn không có được niềm vui ấy. Mẹ xin bác sĩ thêm 1 tuần cuối cùng chờ đợi, nhưng phép màu không xuất hiện. Ba mẹ và các chị sẽ luôn nhớ và yêu con, thiên thần của gia đình".
Bài đăng của Di Băng đã nhận được rất nhiều sự chú ý của người hâm mộ. Dưới phần bình luận, mọi người để lại những lời động viên tinh thần, an ủi, mong cô sớm vượt qua nỗi đau này. Nhiều mẹ đã từng rơi vào hoàn cảnh như Di Băng cũng bày tỏ sự đồng cảm với nữ ca sĩ. Bên cạnh đó, không ít người cũng thắc mắc, đặt nhiều câu hỏi về tình trạng không có tim thai.
Tim thai được hình thành khi nào?
Tim thai là một bộ phận được hình thành cấu trúc sớm nhất trong cơ thể thai nhi. Ống tim nguyên thủy hình thành từ trung mô mạc bắt đầu đập sau khi thụ thai khoảng 3 tuần. Sau đó, ống tim sẽ tiếp tục phát triển, uốn cong. Đồng thời, vách ngăn được hình thành, chia tim thành 4 buồng. Trái tim sẽ phát triển hoàn thành khi 2 đường thoát ra tách biệt.
Thông thường, bằng phương pháp siêu âm hiện đại từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 8 đã có thể thấy tim thai. Nhịp tim càng lớn thì chứng tỏ thai nhi phát triển rất tốt. Trong một vài trường hợp, do sai lệch trong việc tính toán tuổi thai nên đến tuần thứ 8-10 mới nghe thấy nhịp đập và quan sát rõ tim thai.
Nguyên nhân siêu âm không thấy tim thai
- Siêu âm quá sớm hoặc tính sai lệch tuổi thai: Như đã nói ở trên, có những trường hợp từ 8-10 tuần mới thấy tim thai, do tính sai lệch tuổi thai. Khi thai còn nhỏ, việc xác định tuổi thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Ngày cuối của kỳ kinh nguyệt, ngày rụng trứng... nên tuổi thai có thể sai lệch, dẫn đến không thấy tim thai. Bác sĩ sẽ hẹn mẹ bầu đến siêu âm lại sau 1-2 tuần để có kết quả chính xác hơn.
- Sảy thai sớm: Sau 8-10 tuần siêu âm mà không thấy tim thai, lúc này các bác sĩ sẽ nghi ngờ mẹ bị sảy thai và yêu cầu kiểm tra chi tiết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mẹ bị sảy thai sớm như: Sảy thai tự nhiên do bất thường nhiễm sắc thể. Mẹ bị hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn đông máu, bệnh tiểu đường, có vấn đề về tuyến giáp, tử cung bất thường, rối loạn miễn dịch...
Ngoài ra, mẹ sảy thai còn do các tác động bên ngoài như: Bị ngã, mắc các bệnh nhiễm trùng do rubella, toxoplasmosis, cytomegalovirus... Mẹ sử dụng chất kích thích, stress kéo dài...
- Thai nhi bị rối loạn nhịp tim: Đây là trường hợp khá hiếm gặp, mang tính tạm thời, thường xảy ra ở một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Khi bị rối loạn nhịp tim, tim thai có thể có nhịp tim tăng nhanh, chậm hoặc ngừng đột ngột. Dù lành tính nhưng tình trạng này vẫn khiến số ít trường hợp thi nhi bị tử vong.
- Thiết bị siêu âm không đảm bảo: Để nghe thấy tim thai, thiết bị cần có độ nhạy cao và ống nghe đạt chuẩn. Trong trường hợp thiết bị siêu âm có lỗi kỹ thuật sẽ không thể nghe thấy tim thai, hoặc tim thai yếu ớt.
Bên cạnh đó, khi thai còn nhỏ siêu âm ổ bụng khó phát hiện tim thai. Bác sĩ có thể tiến hành siêu âm đầu dò để có kết quả chính xác nhất.
Mẹ bầu cần làm gì khi siêu âm không thấy tim thai?
Nếu mẹ đi siêu âm ở những tuần thai sớm mà không thấy tim thai thì cũng không nên lo lắng quá. Thay vào đó cần nghỉ ngơi và siêu âm lại sau 1-2 tuần theo lịch hẹn của bác sĩ.
Sau 12 tuần, mẹ đi siêu âm mà vẫn không thấy tim thai thì sẽ được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra kết quả chính xác.
Nếu bị sảy thai, các mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân để phòng tránh trong những lần mang thai tiếp theo. Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp phù hợp, an toàn để đẩy thai ra ngoài.
Chị em nên dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thật tốt để chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo.
Theo DIỆU HÀ (Pháp luật và bạn đọc)