Nổi mề đay mẩm ngứa vào mùa hè phải làm sao?

16/05/2023 15:00:14

Nổi mề đay mẩm ngứa khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu. Cơ thể luôn trong trạng thái nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy mỗi khi thân nhiệt tăng lên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh mề đay có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. 

Phát ban hay nổi mề đay có màu hồng hoặc đỏ, ngứa, xuất hiện dưới dạng đốm hoặc nổi cục đỏ trên da. Chúng có thể nhỏ như vết muỗi đốt, hoặc rộng nhiều cm. Tình trạng có thể tệ hơn nếu gãi ngứa. Phát ban thường xuất hiện đột ngột trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể.

Chúng có thể xuất hiện ở một nơi, biến mất trong vài giờ và sau đó quay lại ở một nơi khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, phát ban đến và đi trong vài tuần. Đối với hầu hết mọi người, chúng không nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay mẩn ngứa vào mùa hè

Do dị ứng thời tiết

Vào mùa hè, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí đều ở mức cao rất dễ khiến da bị kích ứng. Vì vậy sự tác động của nhiệt độ và độ ẩm có thể khiến làn da trở nên nhạy cảm, ngứa ngáy.

Ngoài ra, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi di chuyển từ phòng điều hòa ra môi trường bên ngoài cũng khiến cho cơ thể không kịp thích ứng gây ra tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa vào mùa hè.

Do mồ hôi, bụi bẩn

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao khiến da đổ mồ hôi liên tục. Nếu vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, mồ hôi tiết trên da kết hợp với bụi bẩn ngoài môi trường sẽ bám vào da gây tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Hơn thế nữa, khi da đổ nhiều mồ hôi còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm trên da.

Tác nhân gây bệnh này thường xảy ra ở những người làm việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng và bụi bẩn.

Nổi mề đay mẩm ngứa vào mùa hè phải làm sao?

Do chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học

Thực tế, chế độ dinh dưỡng không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh mề đay mẩn ngứa vào mùa hè. Tuy nhiên, yếu tố này kết hợp với thời tiết nắng nóng sẽ khiến gia tăng bệnh mề đay bùng phát.

Đặc biệt, nếu bạn ăn quá nhiều đô ăn cay nóng, thực phẩm ngọt, chứa nhiều chất béo, chất đạm,… dễ khiến cơ thể tăng nhiệt, dư thừa chất. Từ đó, các chức năng của gan, thận sẽ phải hoạt động nhiều hơn bình thường, dẫn đến quá tải. Lâu ngày ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng gây nóng trong người, kèm theo các chứng bệnh ngoài da như mề đay, mẩn ngứa, mụn nhọt,…

Do suy giảm hệ miễn dịch

Thời tiết nắng nóng, oi bức của mùa hè dễ khiến chúng ta cảm thấy stress, mệt mỏi. Điều này dẫn đến một loạt các vấn đề về hệ miễn dịch.

Hàng rào bảo vệ làn da sẽ bị phá bỏ khi hệ miễn dịch suy yếu. Do vậy, mùa hè là thời điểm da dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài như nấm, vi khuẩn,…

 

Để ngăn chặn phát ban, nổi mề đay trở nên tồi tệ hơn, nên:

- Tránh gãi hoặc chà xát da.

- Mặc quần áo rộng.

- Không sử dụng xà phòng gây kích ứng trên da và để giặt quần áo.

- Nếu nhạy cảm với lạnh, hãy mặc quần áo ấm và tránh tiếp xúc với nước lạnh.

- Nếu nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, hãy sử dụng kem chống nắng và mặc áo quần dài.

- Rửa tay sau khi chạm vào vật nuôi.

- Chế độ ăn kiêng tạm thời dưới sự giám sát y tế chặt chẽ có thể hữu ích trong một số trường hợp.

Nổi mề đay mẩm ngứa vào mùa hè phải làm sao? - 1

- Mặc dù phát ban có thể gây khó chịu, nhưng chúng thường không nguy hiểm đến tính mạng. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh, tránh lo lắng gây khó chịu hơn.

- Tránh dùng Aspirin và các NSAIDs khác (nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid, thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng, bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp. Có tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm) vì chúng thường làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.

Chữa mề đay tại nhà bằng một số mẹo dân gian

Các mẹo dân gian đều sử dụng thảo dược và nguyên liệu tự nhiên quen thuộc nên có độ an toàn cao, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Dưới đây là các mẹo chữa mề đay đơn giản, bạn có thể áp dụng tại nhà để giảm ngứa và các triệu chứng:

Giảm ngứa do mề đay bằng lá trà xanh

Trà xanh (hay còn gọi là chè xanh) là cây thuốc nam quen thuộc được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Ngoài công dụng thanh nhiệt, giải độc, kích thích hoạt động tiêu hóa, trà xanh còn có công năng tiêu viêm, được sử dụng để chữa mề đay mẩn ngứa hoặc một số bệnh da liễu thường gặp.

Cách dùng: Đem khoảng 2 – 3 nắm lá trà xanh tươi rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó, đun sôi khoảng 3 lít nước rồi cho lá trà xanh vào. Đun thêm 5 – 10 phút thì tắt bếp, đậy nắp kín trong vòng 10 phút. Bỏ bớt bã trà rồi đổ nước vào nước mát ở thau, thêm 2 – 3 thìa cà phê muối. Sử dụng nước trà xanh đó tắm hàng ngày, tình trạng phát ban, mẩn ngứa sẽ thuyên giảm rõ rệt.

Chữa mề đay mẩn ngứa vào mùa hè bằng lá trầu không

Có thể nói, lá trầu không là vị thuốc Nam được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các bệnh ngoài da. Theo y học cổ truyền, loại thảo dược này có vị cay nồng, mùi thơm, tính ấm, tác dụng chống ngứa ngáy, tán hàn và khu phong.

Cách dùng: Đem rửa sạch 2 – 3 nắm lá trầu, cắt nhỏ hoặc vò nát để tinh dầu từ trầu không tỏa ra mùi thơm. Sau đó, đun sôi khoảng 2 lít nước rồi cho lá trầu vào, tắt bếp và đậy kín nắp trong vòng 15 phút. Đổ nước lá vừa đun ra thau, hòa thêm nước mát và sử dụng tắm hàng ngày.

Nổi mề đay mẩm ngứa vào mùa hè phải làm sao? - 2

Trị mề đay tại nhà bằng lá khế

Lá khế là loại thảo dược có vị chua, chát, tính bình, tác dụng tiêu viêm, chống dị ứng và giải độc tốt. Nhiều người tận dụng dược tính này của lá khế để đẩy lùi tình trạng da nổi mẩn và ngứa ngáy do mề đay gây ra.

Cách dùng: Sử dụng khoảng 3 – 4 nắm lá khế tươi đem ngâm và rửa sạch với nước muối. Đợi đến khi ráo nước rồi vò xát lá khế nhẹ. Sau đó, đun sôi 2 lít nước rồi cho lá khế vào. Đổ nước ra thau và hòa thêm 1 lít nước mát vào, dùng nước lá khế tắm hàng ngày để giảm triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy.

Nha đam giúp giảm triệu chứng mề đay, mẩn ngứa

Nha đam (hay lô hội) thường được sử dụng để chế biến thành món ăn hay thức uống giúp làm mát cơ thể. Ngoài ra với lượng nước giàu dưỡng chất, nha đam còn được các chị em tận dụng để chăm sóc da. Bên cạnh tác dụng dưỡng ẩm, nha đam còn còn khả năng giảm triệu chứng mề đay mẩn ngứa rõ rệt.

Cách dùng: Sử dụng 1 nhánh nha đam tươi, rửa sạch và gọt bỏ vỏ. Sau đó, bạn nên rửa sạch phần nhựa của nha đam để tránh tình trạng kích ứng da. Lấy thìa cạo lấy phần gel trong suốt thoa lên vùng da bị mề đay, mẩn ngứa, massage da khoảng 10 – 15 phút. Cuối cùng làm sạch gel nha đam bằng nước và lau khô da.

Chữa trị mề đay, mẩn ngứa bằng thuốc Tây y

Sử dụng thuốc Tây y là phương pháp phổ biến điều trị mề đay, mẩn ngứa hiện nay. Theo y học hiện đại, nguyên nhân bệnh mề đay, mẩn ngứa là do cơ thể phản ứng tiết ra nhiều Histamin và các chất hóa học khác. Chính vì vậy, thuốc chữa mề đay Tây y thường hướng đến kìm hãm quá trình giải phóng Histamin và làm giảm triệu chứng ảnh hưởng do phản ứng này gây ra.

Nổi mề đay mẩm ngứa vào mùa hè phải làm sao? - 3

Những loại thuốc trị mề đây, mẩn ngứa phổ biến bao gồm:

Thuốc bôi ngoài da: Sử dụng các lọa thuốc có thành phần chứa các hoạt chất được chiết xuất từ cây bạc hà, làm mát, giảm ngứa sưng đau tại chỗ.

Thuốc uống kháng Histamin: Với những trường hợp tổn thương da lây lan rộng hoặc không có phản ứng với thuốc bôi, bạn có thể dùng kết hợp với thuốc kháng Histamin, giúp ngăn chặn, giảm các triệu chứng do dị ứng thời tiết.

Thuốc Tây y giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng của dị ứng thời tiết, nổi mề đay. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này mà nên tham khảo và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Bởi các loại thuốc Tây y này rất dễ gây tác dụng phụ.

 

Khi nào cần trợ giúp khẩn cấp?

- Nếu khó thở, khó nuốt hoặc nói, buồn nôn hoặc nôn, sưng miệng hoặc môi, hãy tìm đến y tế ngay lập tức. Đây là những triệu chứng ban đầu của sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng.

- Nếu thuốc kháng histamine được kê đơn không làm giảm ngứa thì hãy liên hệ với bác sĩ ngay.

- Khi các vết mề đay hoặc tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn hoặc phát triển các triệu chứng mới cũng cần liên hệ chuyên gia y tế bởi có thể đó là dấu hiệu cho thấy bệnh khác.

PN (SHTT)

Nổi bật