Chia sẻ trên Infonet, anh Nguyễn Mạnh N. (28 tuổi, trú tại Mễ Trì,Hà Nội) chia sẻ cả công ty anh vừa tiêm mũi 3 là vắc xin Pfizer. Sau tiêm, bản thân anh N. về nhà bị đau nhức vùng tiêm, nách, cổ nổi hạch và rất đau không giơ được tay lên; đồng nghiệp cơ quan anh cũng bị nổi hạch, đau nhức, rét run.
Bản thân anh N. tiêm buổi sáng đến tối về đã bị sốt rét đắp tới 3 chăn vẫn thấy rét run cầm cập. Đến ngày thứ 2 triệu chứng đỡ thì bắt đầu có hạch nổi lên. Vì đã tìm hiểu hạch do tác dụng phụ của vắc xin nhưng bản thân anh H. cũng thấy hoang mang, lo lắng.
Tương tự anh N., chị Nguyễn Kim C. (41 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cũng tâm sự sau tiêm vắc xin mũi 3 chị bị rụng tóc. Sau tiêm bị sốt và người lúc nào cũng mệt mỏi như mới bệnh nặng dậy. Tê cánh tay khi tiêm, nổi nhiều hạch ở nách. Đặc biệt sau 1 tuần thì tóc rụng như chưa bao giờ được rụng khiến chị C. thấy stress.
Trên báo Tuổi trẻ, ThS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, chính bản thân cũng gặp phải phản ứng hạch sau khi tiêm mũi 3 và phải hơn 10 ngày các triệu chứng trên mới dần hết.
"Sau khi tiêm 2 ngày, cơ thể bắt đầu nổi hạch khắp người, dù biết là phản ứng hạch viêm cấp thông thường nhưng gây ra sưng, đau khi đụng vào, rất khó chịu và dễ gây lầm tưởng với ung thư di căn", BS Vân Anh chia sẻ.
BS Vân Anh cho rằng đây là phản ứng phụ thông thường, có thể tự hết mà không cần can thiệp về y tế.
"Hạch bạch huyết thường xuất hiện ở nách, cổ cùng bên với cánh tay được tiêm. Tình trạng này sẽ mất đi sau vài ngày, không gây nguy hiểm nên không cần quá lo lắng", BS Vân Anh trấn an.
Theo BS Vân Anh, nếu thực hiện siêu âm, bệnh nhân cần báo với bác sĩ về thời gian tiêm, số mũi vắc xin ngừa COVID-19 đã được tiêm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có các hạch bạch huyết tăng trao đổi chất sau khi tiêm chủng có thể phản ánh một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, điều này có thể có lợi cho cơ thể.
Tuy nhiên, người dân vẫn cần phải theo dõi nếu hạch sưng to, da vùng hạch sưng đỏ hoặc có các triệu chứng kèm theo như sốt kéo dài, sụt cân... thì phải đi khám để loại trừ bệnh lý khác.
Liên quan tới sự việc, trên Infonet, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM không nên lo ngại tác dụng phụ của vắc xin mà chần chừ tiêm vắc xin nếu bạn đã đến lịch tiêm.
Theo BS Hiển sau tiêm vắc xin thì ai cũng có biểu hiện tác dụng phụ của vắc xin đó là điều bình thường vì khi đưa bất cứ thuốc nào vào cơ thể đều có ít nhiều tác dụng phụ.
Tuy nhiên, so sánh tác dụng phụ với vắc xin Covid-19 thì rõ ràng lợi ích của vắc xin lớn hơn rất nhiều.
Nhờ có vắc xin mà số ca mắc tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong vô cùng thấp. Ví dụ như Hà Nội mỗi ngày 3 nghìn ca nhưng vì đã được tiêm vắc xin nên tỷ lệ trở nặng, tử vong thấp, các cơ sở y tế đều kiểm soát được.
Nếu so với TP.HCM hồi tháng 8, 9 số ca mắc và tử vong rất cao có thể thấy rõ vai trò của vắc xin.
PN (Nguoiduatin.vn)