Khăn dùng trong nhà bếp
Nếu bạn nghĩ những chiếc khăn dùng trong nhà bếp không có nhiều vi khuẩn hay nhìn không dơ thì bạn đã sai. Theo các nghiên cứu, khăn dùng để lau chùi trong nhà bếp và khăn trong nhà tắm có chứa nhiều vi khuẩn nhất. Vì vậy, không có gì sai khi nói rằng đây là những vật dụng trong nhà nên vệ sinh mỗi ngày. Bạn có thể thay khăn 2 ngày một lần hoặc tốt nhất là nên thay mỗi ngày.
Điện thoại
Vệ sinh mỗi ngày 1 lần. Nghiên cứu cho thấy chúng ta chạm vào điện thoại 150 lần mỗi ngày, trong khi đó có đến 7.000 loại vi khuẩn ký sinh trên điện thoại, dù hầu hết chúng là vô hại. Do đó, đây là nguồn gốc vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, hãy vệ sinh chúng bằng khăn lau kháng khuẩn mỗi ngày.
Chăn gối
Đây là món đồ gần gũi với bạn, sau một ngày dài trở về từ trường học, cơ quan thì chiếc giường, chiếc gối êm ái quả là nơi thân thuộc để ngả lưng. Tuy nhiên, vỏ gối và chăn cũng là chốn "nguy hiểm" nếu bạn không vệ sinh thường xuyên. Khi ngủ, chúng ta có thể đổ mồ hôi, cơ thể của chúng ta cũng thực hiện quá trình tự "detox" nên da chết, tóc rụng của bạn cũng sẽ theo đó mà lưu lại trên vải.
Mặt khác, các vị trí trên cơ thể bạn tiếp xúc diện rộng rất nhiều với chăn và gối, vì vậy việc không giặt giũ hai món đồ này định kỳ có thể là nguyên nhân cho những hạt mụn, viêm xấu xí trên lưng, mặt và tay chân của bạn đấy.
Chìa khóa
Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi biết chìa khóa là vật dụng trong nhà nên vệ sinh mỗi ngày. Chìa khóa là nơi có nhiều vi khuẩn, nhiều hơn cả nút bấm của thang máy. Bạn có bao giờ rửa tay trước khi cầm chìa khóa? Câu trả lời chắc chắn là không. Đây là vật dụng tiếp xúc với nhiều vi khuẩn nhất: bàn tay, ổ khóa, bàn ăn, túi quần và thậm chí là đất (nếu bị rơi). Vì vậy, mỗi ngày bạn hãy dành ra chút thời gian để lau sạch chìa khóa bằng khăn khử trùng nhé.
Bồn rửa
Bạn có thể nghĩ rằng sau khi rửa bát đĩa hoặc rửa tay với xà phòng, bồn rửa của bạn cũng sẽ sạch. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều vi khuẩn bám trên thành bồn và khu vực xung quanh. Vì vậy, để nhà sạch hơn, đừng quên vệ sinh bồn rửa mỗi ngày nhé!
Nệm giường
Vệ sinh 6 tháng/1 lần. Bụi bặm, nấm mốc bám trong nệm có thể gây dị ứng, hen suyễn và các bệnh dị ứng nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu phát hiện các vi khuẩn như MRSA, campylobacter và norovirus (gây sốt, đau quặn và tiêu chảy) có thể ký sinh trong thời gian 6 tháng. Do đó, phải tiến hành vệ sinh nệm 6 tháng mỗi lần để phòng bệnh.
Tai nghe, headphone
Dù muốn dù không, tai của bạn vẫn sẽ tiết ra ít nhiều chất nhầy mỗi ngày. Đây là cách mà cơ thể bạn tự làm sạch bằng cách đẩy ra chất bẩn. Bên cạnh đó, tai nghe và headphone lại là thứ chúng ta sử dụng hằng ngày, cũng là món đồ dễ tiếp xúc với các chất bẩn trong lỗ tai nhất, vì vậy mà nếu không vệ sinh hoặc thay đổi định kỳ, tai nghe có thể trở thành thủ phạm gây nên viêm nhiễm và các bệnh về tai.
Bọt biển rửa chén
Bọt biển có chứa rất nhiều vi khuẩn mà bạn không ngờ tới vì nó được dùng để rửa chén đĩa và đồ dùng dơ trong nhà. Cách tốt nhất để tiêu diệt vi khuẩn là bạn hãy giặt sạch bọt biển và phơi nắng mỗi ngày nhé.
Ví tiền
Vệ sinh hàng tuần. Ví tiền là nơi chứa các mầm bệnh như vi khuẩn E.coli, MRSA hay bất cứ loại vi khuẩn gây bệnh nào khác. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy trong các loại tiền, tiền giấy là bẩn nhất do đặc tính thấm hút và lưu giữ vi khuẩn cao. Tiền polyme chứa ít vi khuẩn hơn vì không thấm nước. Do đó, bạn phải vệ sinh ví tiền mỗi tuần một lần.
Đồ trang điểm
Đồ trang điểm vừa là bạn thân, vừa là kẻ thù của hội con gái. Vì sao lại như thế? Các bông mút, các chiếc cọ vừa có thể giúp bạn xinh đẹp, nhưng nếu để lâu không vệ sinh thì sẽ trở thành kẻ thù số 1 của làn da. Nếu da hay nổi mụn mặc dù bạn đã điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện và thử nhiều sản phẩm skincare khác nhau thì khả năng cao là cho những dụng cụ trang điểm đấy. Tốt nhất là bạn nên mua mới, hoặc rửa cọ trang điểm định kỳ bằng nước tẩy trang, nước rửa mặt hoặc cồn.
Theo Lily (Giadinh.net.vn)