27 vốn luôn được coi là cột mốc quan trọng trong cuộc sống của phụ nữ. Ở độ tuổi này, sau khi đã trải qua vài cuộc tình, dù ít dù nhiều, các chị em cũng đều có mong muốn gắn bó lâu dài với một người đàn ông.
27 tuổi, nhiều người bắt đầu bước vào hôn nhân, nhiều người đã yên ấm bên gia đình nhỏ, nhưng cũng có những người lựa chọn quay trở lại cuộc sống độc thân.
1. Yêu lâu rồi, thì... cưới?!
Nhiều người vẫn mặc định tin rằng hôn nhân là kết thúc có hậu cho một cuộc tình sâu đậm, dài lâu. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác rờn rợn mỗi khi đi ăn cưới và nghe bạn MC thốt lên rằng "Mọi người hãy vỗ tay để chúc mừng ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của cô dâu, chú rể". Nếu ai cũng tin rằng khoảnh khắc chiếc nhẫn được lồng vào ngón áp út là khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất, vậy từ đó về sau, mọi thứ đều kém đẹp đi hay sao? Chẳng biết có phải vì suy nghĩ ấy, mà khi bước vào cuộc sống chung rồi, nhiều người mới bị vỡ mộng hay không.
Bạn cùng phòng trọ cũ với tôi là một minh chứng sống cho việc không phải cứ yêu nhau lâu dài thì khi cưới nhau về, cuộc sống hôn nhân chắc chắn sẽ hạnh phúc. Chị có một mối tình kéo dài 8 năm. Nhưng hơn 1 năm sau khi kết hôn, họ ly dị. Trong một cuộc nhậu sau đó, chị tâm sự với tôi: "Hồi còn yêu nhau, đi làm xong, mệt quá thì về nhà ngủ, không mệt lắm thì hẹn nhau đi ăn, đi chơi. Chị cứ nghĩ cưới nhau mà chưa có con luôn thì cuộc sống vẫn thế thôi vì nhiều người cũng bảo thế. Nhưng chắc do người ta không phải sống với gia đình chồng. Cả ngày bù đầu với công việc đã cạn sức rồi, tối về chị chẳng muốn lao vào bếp nữa, nên chị thuê giúp việc. Tiền là chị bỏ ra, vậy mà mẹ chồng cũng càu nhàu. Một ngày thì chẳng sao, nhưng ngày nào cũng thế, mày nghĩ xem còn lúc nào để vui vẻ được không?". Câu chuyện có vẻ đơn giản đến mức những người còn độc thân như tôi, khi nghe, chỉ biết hỏi rằng "sao anh chị không dọn ra ở riêng". Lúc đó, chị mới bảo: "Bố anh mất sớm, anh là con một, sao nỡ để cụ sống một mình lúc tuổi già."
Thế đấy, hôn nhân đâu phải chỉ là việc hai người đặt bút ký vào một tờ giấy và dọn về sống chung. Người ta bảo khi hẹn hò, bạn chỉ hẹn hò với một người thôi, nhưng khi lấy nhau, thì sẽ là lấy thêm một gia đình, một dòng họ, chứ không phải chỉ là một người nữa. Nếu khi yêu nhau, câu chuyện của hai người chỉ là hôm nay ăn gì, chơi ở đâu, thì cưới nhau về, vấn đề còn là chúng ta phải làm sao để hòa hợp không chỉ với bố mẹ chồng, anh chị em chồng, mà còn với cả phong tục nhà chồng nữa.
Ấy vậy mà, đứng trước hôn nhân, nhiều người chỉ đơn thuần nghĩ rằng "Yêu lâu rồi, thì cưới", hoặc "Cũng đến tuổi lấy chồng rồi, và cũng yêu lâu rồi, không cưới người này thì cưới ai?". Những vấn đề khác, cứ từ từ giải quyết. Đôi khi, phụ nữ là sinh vật vừa có nhiều nỗi sợ, vừa suy nghĩ quá đơn giản. Đơn giản đến mức coi hôn nhân như việc hiển nhiên phải làm, mà chẳng hề quan tâm xem bản thân đã thực sự sẵn sàng hay chưa.
2. Không chấp nhận những lưng chừng, phụ nữ cá tính chọn cô đơn.
Tôi có một cô bạn thân tên Linh. Nàng là kiểu phụ nữ biết yêu thương bản thân, cũng đủ mặn mà, đủ giỏi giang để không bao giờ phải tự ti khi bước ra xã hội. 28 tuổi, đôi khi Linh đi mua đồ, nàng vẫn được các cô các chú hỏi "Con bé này đang học năm mấy rồi?". Sở dĩ, Linh trẻ hơn so với tuổi bởi nàng suy nghĩ đơn giản, vô tư, và đặc biệt là biết yêu thương và chăm sóc bản thân.
Nói về chuyện tình yêu, có lần Linh bảo: "Là đàn bà thì luôn cần tình yêu. Tao thì cần cả gia đình nữa". Dẫu vậy, nàng vẫn lựa chọn quay trở lại cuộc sống độc thân, dù mối tình của nàng đã kéo dài nửa thập kỷ.
Ngày chia tay người yêu, nàng buồn, nhưng vẫn tỉnh queo: "Tao không có cảm giác hào hứng hay sự háo hức cho đám cưới này. Tao cứ thấy nhàn nhạt, kiểu phân vân hay là thôi không cưới nữa. Lúc tao nói ra chuyện này, ông ấy cũng thừa nhận, bản thân cũng cảm thấy tương tự. Thế là bọn tao hiểu tình yêu này không đi xa hơn được nữa. Chưa kết hôn cảm xúc đã dần nguội, sao sống được với nhau cả đời."
Chuyện này, có thể bạn đã từng chứng kiến nhiều ở những người xung quanh. Yêu nhau tới 5-7 năm, rồi chia tay vì không phù hợp quan điểm sống, hoặc vì càng bên nhau lâu, cảm xúc càng nguội dần đi chứ không "ấm lên" dù cho cả hai đã đến tuổi lập gia đình. Nhưng cái "tuổi lập gia đình" ấy cụ thể là bao nhiêu tuổi thì chẳng ai biết. Chỉ là có người chấp nhận bỏ qua những hụt hẫng trong cảm xúc, những bất đồng mơ hồ, trốn tránh câu hỏi "Bản thân đã thực sự sẵn sàng hay chưa?" và kết hôn; còn cũng có người chấp nhận trở lại cuộc sống "một mình" ở độ tuổi 27 hoặc hơn thế, vì không thể dễ dãi với cảm xúc của chính mình. Suy cho cùng, khi phụ nữ đã tự chăm lo được cho chính họ, tự hạnh phúc được với cuộc sống cá nhân của mình, thì hà cớ gì phải gắn đời mình với đời người khác, nếu cảm xúc không không thực mãnh liệt?
3. Mất một người tình, hụt chút niềm tin, nhưng… có sao?
Phụ nữ càng trưởng thành sẽ càng khó để bắt đầu lại một mối quan hệ, nhất là khi trước đó, họ đã có những mối tình quá đậm sâu. Sự kiên nhẫn với chính mình và đối phương chắc hẳn sẽ chẳng được đầy đặn như những năm tháng mới thanh xuân tươi trẻ.
Nhưng cũng vì đã trưởng thành và có đủ trải nghiệm, hơn ai hết, những người phụ nữ bản lĩnh hiểu rằng tiềm thức của chính họ mới là thứ đáng tin và đáng để nghe theo nhất. Cuộc đời có muôn vàn thứ đáng để mạo hiểm, trừ hôn nhân ra. Đánh cược cuộc đời mình khi bản thân chưa sẵn sàng là ngu ngốc, không phải dũng cảm. Đặt cuộc đời mình bên cạnh cuộc đời một người đàn ông với mong muốn có nơi "nương tựa" cả đời là hèn nhát chứ không phải thông minh.
Vài ngày trước, gặp lại người bạn cùng phòng ngày xưa, tôi thấy chị đã phục hồi nhiều sau cuộc hôn nhân tan vỡ. Lúc đó, chin mới thừa nhận: "Ngày xưa, chị đã nghĩ thôi cưới cho xong vì các cụ giục giã gớm quá. Nhưng em ạ, không có cái gì là xong hay không xong đối với hôn nhân cả. Lúc chị ly hôn, các cụ khóc và bảo biết thế ngày xưa không giục chị cưới. Thế nên, em đừng vội hay lo lắng vì bố mẹ khát con rể. Suy nghĩ cho kỹ, vì nếu hôn nhân không hạnh phúc, mình đau 10 thì bố mẹ cũng đau 7,8 phần."
Còn cô bạn thân của tôi, sau gần 2 năm chia tay mối tình nửa thập kỷ, nàng vẫn chưa tìm được "mối" nào nghiêm túc, dù hẹn hò và gặp gỡ sương sương thì cũng nhiều. Nhưng nàng vẫn hài lòng, vì sau khi chuyển sang công ty mới và đồng nghiệp toàn là những chị đã có chồng, có con, nàng mới thấy lựa chọn quay trở lại cuộc sống độc thân của mình là đúng đắn. Nàng kể: "Ngày nào đi làm các bà ấy cũng nói xấu chồng, thi thoảng than vãn con biếng ăn, học dốt. Thi thoảng, lại kể tội cả mẹ chồng, em chồng, chị dâu nhà chồng. Đời sống rặt một sự u ám. Tao thà ế đến lúc chết còn hơn sống cuộc sống như thế."
Vậy đấy, chẳng ai muốn cô đơn vốn là chân lý bất biến của những trái tim còn đang đập trong lồng ngực, bất chấp hình hài, giới tính. Nhưng những người phụ nữ có bản lĩnh, có niềm tin vào chính mình sẽ không vì nỗi sợ cô đơn, sợ "không có nơi nương tựa" mà tặc lưỡi chấp nhận bước vào hôn nhân.
Dù cha mẹ bạn có thể ngao ngán hoặc thúc giục, dù xã hội có thể thi thoảng vẫn coi bạn là "gái già ế chồng", nhưng hãy tin rằng không có điều gì tuyệt vời hơn là bạn được làm chủ cuộc sống, cảm xúc của chính mình. Vì thế, phụ nữ dám độc thân ở độ tuổi ngoài 27 hoặc hơn, hãy cứ ngẩng cao đầu và dành cho chính mình một lời ngợi khen. Bởi ít nhất, bạn đã dám sống cuộc sống của bản thân, mà không để bất cứ định kiến nào của xã hội tác động.
Theo AT (Helino)