Chúng ta đều biết thịt gà là món ăn phổ biến và bổ dưỡng với những tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Nhưng tốt không có nghĩa là phù hợp với tất cả mọi người. Có rất nhiều người chưa biết khi nào thì nên ăn thịt gà, khi nào thì nên kiêng.
Trong thịt gà có chất dinh dưỡng gì?
Theo Đông y, thịt gà mềm, hương vị thơm ngon, thích hợp với nhiều cách chế biến, dinh dưỡng phong phú, có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
So sánh với thịt bò và thịt lợn thì tỉ lệ protein trong thịt gà khá cao, nhưng hàm lượng chất béo thấp hơn. Ngoài ra, protein trong thịt gà chứa đầy đủ lượng axit amin thiết yếu, tương đương với trứng và sữa, vì vậy đây là món ăn cung cấp protein ưu việt cho sức khỏe.
Hàm lượng protein của các bộ phận gà có sự khác biệt, thịt gà có da và không có da cũng khác. Xếp thứ tự từ cao xuống thấp là thịt gà bỏ da, thịt ức, thịt đùi. Thịt gà bỏ da nếu so sánh với các loại thịt còn lại thì có lượng calo thấp hơn.
Tuy nhiên, nếu thịt gà còn kèm da gà thì không được tính là món ăn có năng lượng thấp, vì thành phần dinh dưỡng trong da gà có chứa nhiều chất béo, không phù hợp với người ăn kiêng.
Mỗi 100 gram thịt gà bỏ da chứa 24 gram protein, 0,7 gam chất béo, được xem là loại thực phẩm protein cao nhưng hầu như không có chất béo.
Thịt gà còn chứa một lượng dồi dào các chất khác gồm phốt pho, sắt, đồng, kẽm, vitamin B12, vitamin B6, vitamin A, vitamin D, vitamin K...
Đông y cho rằng, thịt gà có tác dụng ôn trung ích khí, bồi bổ cho người ốm yếu, kiện tì vị, hoạt huyết mạch, tăng cường sức khỏe gân cốt.
5 nhóm người không nên ăn thịt gà
1. Người bị viêm bề mặt dạ dày mãn tính
Nhóm người này bản thân bị axit dạ dày nhiều, chức năng tiêu hóa không tốt, khi ăn nhiều gà sẽ thúc đẩy bài tiết axit dạ dày, không chỉ không có lợi cho tiêu hóa, mà còn làm tăng gánh nặng lên đường ruột, gây khó tiêu trầm trọng.
2. Người bị viêm và sỏi mật
Người có bệnh này không nên ăn canh gà hoặc gà nấu dạng nước. Món ăn này chứa nhiều chất béo, lượng mỡ ăn vào phải thông qua mật để xử lý, tiêu hóa, tăng gánh nặng cho mật, gây ra viêm mật nặng hơn.
3. Người bị tăng acid uric máu
Nhóm người này không nên ăn món canh gà (hoặc gà nấu dạng nước), bởi vì gà chế biến theo cách này chứa nhiều purine và chất béo, khi ăn vào có thể gây ra các cơn gout bùng phát.
4. Người bị tăng lipid máu và gan nhiễm mỡ
Chất béo trong món canh gà hay gà hầm sau khi hấp thụ vào cơ thể, sẽ làm cho chất béo, cholesterol tăng thêm, dẫn đến sự tích tụ mỡ trong gan, lắng đọng trong các thành mạch máu, lâu dần dẫn đến các bệnh liên quan đến xơ cứng động mạch vành.
5. Người có chức năng thận suy giảm
Thịt gà nấu dạng lỏng có chứa một số lượng protein dạng phân tử, người bị viêm thận cấp tính, suy thận cấp tính và mãn tính hoặc nhiễm độc niệu… khi một lượng lớn protein được dung nạp mà gan thận không kịp thời xử lý sẽ rơi vào tình trạng tăng kali máu, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, thậm chí bệnh trở nên ác tính.
Theo Vân Hồng (Soha/Trí Thức Trẻ)