Đừng tưởng rằng cứ ăn đồ nóng hổi là bạn yên tâm nguy cơ không bị giun sán "kết tổ" trong người. Ngay cả những món ăn khoái khẩu, nóng hôi hổi vào mùa đông dưới đây vẫn khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm giun sán như thường. Tất cả xuất phát từ thói quen thích ăn đồ tái, thích ngon miệng hơn là an toàn cho sức khỏe. Cùng điểm một số món ăn khoái khẩu vào mùa đông nhưng tạo cơ hội cho giun sán làm tổ ngay dưới đây:
Lẩu với các nguyên liệu tái - sống
Vào mùa đông, thời tiết lạnh, chẳng còn gì hấp dẫn hơn khi cả gia đình cùng tụ tập xung quanh một nồi lẩu thơm ngon, nóng hôi hổi với nhiều nguyên liệu để nhúng. Tuy nhiên, dù là lẩu gì thì cũng chẳng thế thiếu rau ăn kèm, rau ăn sống. Tùy từng loại lẩu, bạn sẽ nhúng thịt gà, thịt bò, lươn, cua, cá… để ăn.
Là một món ăn ngon khi đông về nhưng vấn đề ở đây là nhiều người có thói quen nhúng thịt bò tái, lươn, cua, cá… chưa chín kỹ. Cũng như rau nhúng lẩu ở dạng tái, nguy cơ nhiễm giun sán từ thịt cua cá... dạng tái là khó tránh khỏi. Theo TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam), nhiều người khi ăn lẩu thường nhúng thịt rau ở dạng tái rồi thưởng thức ngay vì món ăn sẽ ngọt, ngon hơn. Thói quen này chưa giúp giun sán bị tiêu diệt 100%. Do đó, ăn tái sống, dù là rau hay thịt, bạn vẫn có nguy cơ nạp cả búi giun sán vào người.
Đồ nướng nói chung
Không chỉ cua ốc nướng, những món đồ nướng như thịt bò, thịt lợn… ở dạng chưa chín kỹ cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán vào cơ thể. Hiện nay, chúng ta thường có những món đồ nướng khoái khẩu ăn kèm rau củ quả sống. Rau sống có đảm bảo hay không là điều chúng ta rất khó lường. Và cua ốc nướng, thịt lợn, bò nướng có đảm bảo chín kỹ chưa là điều bạn chẳng thể chắc chắn, nhất là khi ai cũng thích ăn những miếng thịt ngọt mềm.
Thịt bò bít tết
Thịt bò bít tết vốn là món ăn khoái khẩu của nhiều người trong cuộc sống hiện đại. Thông thường, rất nhiều người thích ăn ở dạng bò tái sống bởi lẽ chúng được coi là cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn. Thậm chí, nhiều người nhận định ăn thịt bò tái sống ngon hơn, ngọt hơn bình thường. Nhiều người vẫn không hay biết thói quen ăn đồ tái sống kiểu này cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc không đảm bảo quy trình chăn nuôi, bảo quản thịt bò… có thể lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh, trong đó có giun sán. Nang sán trong thịt bò nấu không chín kỹ khi vào ruột sẽ phóng thích ra ấu trùng sán, có thể thâm nhập qua thành ruột và đi khắp cơ thể, gây nên bệnh sán ở mô. Khi chui vào ruột, sán lá gan chui xuyên qua thành ruột, trú ngụ ở gan và gây bệnh.
Nếu không để thịt bò chín kỹ rồi mới thưởng thức, do đó, vẫn khiến bạn bị nhiễm giun sán như thường.
Cháo lòng
Mỗi khi tiết trời trở lạnh, chúng ta lại có xu hướng tìm đến những món ăn khoái khẩu có sự nóng ấm để sưởi ấm cơ thể. Trong đó, cháo chính là một món ăn không thể bỏ qua. Và cháo lòng chính là món ăn được người ta nhắc đến nhiều hơn cả.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bản thân món cháo lòng làm từ nước hầm xương hay nước luộc lòng được làm sạch và đun nấu kỹ thì không có vấn đề gì xảy ra cho sức khỏe. Vấn đề nằm ở chỗ, khi ăn cháo lòng không thể thiếu những món nội tạng lợn đi kèm.
Lòng lợn là nơi khu trú của rất nhiều ký sinh trùng, trong đó không thể không kể đến giun sán. Trong khi đó, chúng ta không thể chắc chắn người bán hàng có vệ sinh sạch sẽ từng bộ lòng hay không. Chưa kể, việc nhúng lòng chỉ ở dạng chần sơ qua để đảm bảo độ ngon. Điều này khiến bạn có nguy cơ nhiễm giun sán vào cơ thể là điều khó tránh.
Giải pháp nào để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm giun sán vào mùa đông?
Theo giới chuyên gia, nguyên tắc hàng đầu trong ăn uống dù là mùa đông hay bất cứ mùa nào trong năm cũng phải đảm bảo cần làm sạch thực phẩm trước khi chế biến, ăn chín uống sôi, không ăn đồ tái sống. Hạn chế tối đa ăn đồ tái sống cũng như sản xuất theo công nghệ tái sống, hạn chế tối đa việc ăn rau sống. Nếu ăn ngoài hàng cần lựa chọn những nơi uy tín, quen thuộc, nhìn đồ ăn, chỗ ngồi phải sạch sẽ…
Ngoài ra, không phân biệt đối tượng, cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt tái, sống, nội tạng không đảm bảo, không rõ nguồn gốc; Tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ; Quản lý phân rác chặt chẽ, tránh để lợn, gà, chó tha phân gây ô nhiễm môi trường…
Theo Tiểu Nguyễn (Báo Dân Sinh)