Bình giữ nhiệt là vật dụng "lên ngôi" trong những ngày mùa đông lạnh giá. Đúng như cái tên của nó, bình giữ nhiệt là một đồ dùng có khả năng giữ nhiệt độ cho đồ ăn, thức uống… đảm bảo nguyên vẹn độ ấm nóng như lúc ban đầu trong vòng 12-24 tiếng.
Theo chuyên gia, hầu hết bình giữ nhiệt đều được chế tạo bằng inox. Nếu là inox tạo ra từ những vật liệu tốt thì sẽ an toàn nhưng đó thường là những bình giữ nhiệt có giá khá đắt.
Tuy nhiên, một số loại bình giữ nhiệt có thể được nhà sản xuất nhồi bông amiăng giữa các lớp inbox, nhằm mục đích hỗ trợ lớp inox cách nhiệt tốt hơn. Chất amiăng ở bên trong bình giữ nhiệt sẽ không gây nguy hiểm, nhưng nếu chất liệu bình kém khiến amiăng phát tán ra ngoài sẽ có thể chui vào phế quản gây ra ung thư phổi và các bệnh nguy hiểm khác cho sức khỏe con người.
Vì vậy, bước đầu tiên để sử dụng bình giữ nhiệt an toàn đó là lựa chọn sản phẩm chất lượng cao. Những chiếc bình giữ nhiệt tốt sẽ có lớp cách nhiệt dày, bình hơi nặng, chân bình đứng vững vàng, vỏ kim loại sáng bóng. Phần nắp nhựa được làm từ nhựa nguyên sinh, khi gặp hơi nóng không gây ra mùi khó chịu. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn sản phẩm từ những thương hiệu uy tín, đã được kiểm định an toàn và được nhiều người tin tưởng sử dụng.
Sau khi lựa chọn bình giữ nhiệt chất lượng, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, cũng như giữ độ bền của bình giữ nhiệt, chuyên gia cảnh báo cần ghi nhớ một vài lưu ý quan trọng dưới đây.
1. Không nên dùng bình giữ nhiệt để đựng các loại nước có tính axit
Bàn về bình giữ nhiệt, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết hầu hết lớp giữ nhiệt đều có chất liệu là inox. Lớp inox này sẽ giúp tăng khả năng giữ ấm đồ ăn, lại an toàn với người dùng.
Tuy nhiên lớp inox này có thể phản ứng với axit. Do đó không nên dùng bình giữ nhiệt hay bất cứ vật dụng có chất liệu inox để đựng các loại nước có tính axit như: Nước hoa quả, nước ngâm mơ, nước táo mèo, nước dâu ngâm, nước sấu ngâm… hay các món ăn như dưa muối, cà muối, các món canh chua. Bởi các loại nước, món ăn này sẽ kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox, dẫn tới các phản ứng hóa học, từ đó có thể tạo ra một số chất gây ung thư, hoặc nhẹ hơn thì gây đau bụng, ngộ độc.
Ông Côn cho rằng, bình giữ nhiệt nếu như được dùng để đựng nước lọc, trà hay nước ấm, nước nóng thì không có vấn đề gì, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng.
2. Không nên thay đổi đột ngột nhiệt độ nước từ nóng sang lạnh và ngược lại
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội): Khi dùng bình giữ nhiệt, mọi người không nên thay đổi đột ngột nhiệt độ nước từ nóng sang lạnh và ngược lại bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tuổi thọ của bình.
Theo vị chuyên gia, khi muốn thay đổi từ nước lạnh sang nước nóng hoặc ngược lại thì cần để bình trở về nhiệt độ bình thường khoảng 10-15 phút rồi mới thay thế nước khác. Ngoài ra tuyệt đối không tự ý đập bỏ bình, tháo rời các loại bình giữ nhiệt để tránh việc phát tán amiăng ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên để bình giữ nhiệt trong lò vi sóng hay tủ lạnh. Khi bình giữ nhiệt bị va đập, móp méo thì không nên tiếp tục sử dụng nữa.
Sử dụng bình giữ nhiệt đúng cách
- Với bình giữ nhiệt sử dụng lần đầu, trước khi dùng nên dùng nước rửa chén hoặc bột baking soda hoặc giấm để rửa sạch cũng như khử mùi sản phẩm mới trong bình. Như thế, khi dùng bình trữ nước sẽ không ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng nước sử dụng.
- Cần chú ý mức độ chịu nhiệt của loại bình bạn đang sở hữu để tránh trữ nước quá nóng có thể gây hư hỏng bình hoặc gây phản ứng với chất liệu bề mặt bình sản sinh chất gây hại.
- Không nên đổ nước hay thức uống đầy sát miệng bình, dễ gây trào khi đóng nắp và không đạt hiệu quả giữ nhiệt tốt nhất. Nên để 1 khoảng trống không khí trên mặt bình sẽ cho hiệu quả giữ nhiệt lâu hơn.
- Sau khi bỏ thức uống vào bình, cần kiểm tra nắp đậy phải đóng chặt, khớp ron để bình kín và giữ nhiệt tốt nhất, tránh rò rỉ nước khi di chuyển.
- Trong quá trình sử dụng và cất giữ, tránh va đập hay lực tác động quá mạnh lên bình sẽ làm móp méo bình, khiến 2 lớp kim loại va chạm vào nhau, làm giảm khoảng không giữa 2 lớp kim loại dẫn đến khả năng giữ nhiệt giảm sút.
- Nên cho bình có 1 “khoảng thở” giữa 2 lần trữ nước nóng – lạnh liên tiếp. Nếu đang đựng nước nóng và muốn chuyển sang đựng nước lạnh (hoặc ngược lại), bạn cần để bình có thời gian giãn cách khoảng 10 – 15 phút. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến chất liệu trong bình co – giãn đột ngột, ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng sử dụng.
- Ngay sau khi dùng, bình giữ nhiệt cần được vệ sinh sớm nhất rồi bảo quản nơi khô thoáng để tránh phát sinh nấm mốc, vi khuẩn tích tụ cũng như bám mùi thức uống.
Bình giữ nhiệt có dấu hiệu sau bạn cần thay mới ngay lập tức
Nắp, gioăng cao su bị hỏng
Nếu gioăng cao su trên nắp bị hỏng, nắp bình bị lỏng bình sẽ không giữ kín hơi, dẫn tới giữ nhiệt kém. Nguy hiểm hơn, bình có thể bị chảy nước nóng ra ngoài và gây bỏng cho người dùng. Do đó, nên thay mới bình để đảm bảo an toàn.
Bình bị méo móp do va đập, rơi rớt
Bình bị va đập, dẫn tới móp méo có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các lớp chất liệu bên trong bình mà bạn không biết như nứt, vỡ… khiến bình bị rò nhiệt ra ngoài khả năng giữ nhiệt sẽ kém hơn ban đầu. Khi đó, bạn cần thay bình mới.
Bình bị gỉ sét, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Tuỳ theo từng loại bình mà phần ruột bên trong được làm các loại chất liệu khác nhau, sẽ có tình trạng khi tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm, cùng với việc bảo quản bình không kỹ sẽ xuất hiện các vết gỉ sét. Nếu có vết gỉ bạn đã chùi rửa mà vẫn không hết, thì lúc này bạn nên thay bình mới để đảm bảo cho an toàn sức khỏe của mình.
Lớp kính trong ruột bình bị vỡ
Với các loại bình thủy giữ nhiệt nóng lạnh có ruột bằng kính, nếu cho đá lạnh vào hay va đập mạnh có thể làm vỡ lớp kính này. Người dùng có thể đến trung tâm bảo hành để sửa chữa, lắp lại lớp kính mới hoặc tốt hơn là thay mới bình thủy để đảm bảo an toàn.
Bình giữ nhiệt không giữ được nhiệt lâu
Bình giữ nhiệt thông thường có thể giữ nước nóng lạnh từ 6 tới 8 tiếng hoặc thậm chí 1 – 2 ngày với các bình cao cấp. Sau một thời gian sử dụng, thời gian giữ nhiệt của bình không còn được như ban đầu thì có thể bình đã sử dụng quá lâu (từ 2 – 3 năm). Nếu điều đó làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng hàng ngày của bạn thì bạn nên thay thế một chiếc bình mới.
PN (Nguoiduatin.vn)