Ra đường khi không cần thiết
Việc đi lại, di chuyển đến nơi đông người trong không gian chật hẹp, đứng san sát nhau… rất dễ dẫn đến lây nhiễm COVID-19. Nên tuân thủ khuyến cáo hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết. Vì ra đường mà không bảo vệ mình đúng cách hay chỉ những sơ xuất nhỏ nhưng đứng gần người bị nhiễm COVID-19 mà không tự bảo vệ đúng cách thì sẽ bị lây nhiễm virus. Tốt nhất là hạn chế đi lại, đặc biệt là trong thời điểm này.
Thờ ơ với dịch COVID-19
Suy nghĩ chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ lo, sự thờ ơ của bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng sự ân hận suốt đời. Bất cứ ai khi tham gia các hoạt động cộng đồng đều phải nghĩ rằng người đầu tiên có thể bị nhiễm bệnh chính là những người trong gia đình mình, rồi đến bạn bè, đồng nghiệp, xã hội. Bởi vậy, có trách nhiệm với sự an toàn của chính mình là có trách nhiệm với gia đình, người thân và xã hội.
Đổ xô đi mua nhu yếu phẩm
Việc tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại... để tích trữ thực phẩm là điều không nên. Việc tích trữ đồ ăn, nhu yếu phẩm khiến một số siêu thị từng trở nên đông đúc và lộn xộn. Điều này dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và gây ra khả năng lây lan bệnh cho nhau nhanh nhất.
Chính phủ đã có kế hoạch đảm bảo nguồn lương thực cho người dân nên hãy bình tĩnh vì ai cũng sẽ có đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm để dùng.
Các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân vẫn vô cùng phong phú mà không cần phải tích trữ. Với những gia đình bị cách ly sẽ được chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn hỗ trợ. Vì thế, đừng tìm cách thoát ra khỏi khu vực cách ly, đừng làm tình hình thêm rối loạn.
Không chịu từ bỏ thói quen vốn có
Những thói quen như thích đi ra khỏi nhà, tụ tập bạn bè hay, nói chuyện với nhiều người, sơ xài trong khâu vệ sinh tay... sẽ khiến bạn bị nhiễm dịch COVID-19 lúc nào không hay. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo thực hiện sát khuẩn và rửa tay đúng cách là "liều vắc xin tự chế" hữu hiệu, đơn giản và tiết kiệm nhất để phòng chống dịch bệnh.
Trong tình huống dịch COVID- 19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, tốt nhất nên tìm cách thích nghi phù hợp trong điều kiện "sống chung với dịch bệnh". Bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ người thân, cộng đồng trước dịch COVID-19.
Không giúp con hình dung rõ sự nghiêm trọng của dịch COVID-19
Trên Facebook vẫn có cha mẹ tá hỏa khi đi làm về không thấy con ở nhà bởi nhiều gia đình cho con ở nhà trong khi cha mẹ vẫn đi làm. Do chưa ý thức rõ về sự nguy hiểm của dịch COVID-19, một số em nhỏ tranh thủ lúc cha mẹ đi làm trốn ra ngoài chơi.
Vì vậy, cần phải giải thích rõ với con về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra (COVID-19). Nói cho con biết về tình hình dịch bệnh đang xảy ra khá nghiêm trọng ở một số nước trên thế giới, cho trẻ thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn cơ thể khỏe mạnh.
Qua đó, nói cho con biết những triệu chứng của bệnh, chỉ cần trẻ nói cho cha mẹ những dấu hiệu nghi ngờ sớm sẽ có cách giải quyết. Hãy thường xuyên nhắc con giữ an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh như rửa tay thường xuyên, không chạm tay lên mặt và hạn chế ra ngoài.
Mù quáng tiếp nhận thông tin sai lệch
Nhiều thông tin sai lệch vẫn xuất hiện trên các trang mạng xã hội về dịch COVID-19. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch COVID-19 mà cả hệ thống chính trị đã và đang phải dốc sức để đẩy lùi. Nguy hiểm nhất là thông tin sai lệch tiếp tục được lan truyền từ những cú click chuột mù quáng.
Vì vậy, trong mỗi gia đình cần cung cấp cho nhau những thông tin chính xác về dịch COVID-19 ở các nguồn như Tổ chức Y tế Thế giới, trang tin của Bộ Y tế để có thông tin chính xác nhất.
Không trung thực khai báo thông tin
Đến vùng có nguy cơ hay tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm mà cố tình che giấu thông tin, đồng nghĩa với việc có thể làm lây lan thêm dịch bệnh. Việc trốn tránh khai báo, cách ly không chỉ làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là tội ác. Bởi vì việc trốn cách ly hay khai báo gian dối về lịch trình đi lại trong vùng dịch gây nguy hiểm rất lớn cho cộng đồng.
Với hành vi vô ý thức của mình, người trốn cách ly, khai báo thiếu trung thực có thể gián tiếp gây nên đại dịch và tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Khai báo càng chậm trễ, độ lây nhiễm càng rộng và hậu quả sẽ rất nặng nề.
Phương pháp phòng chống dịch hiệu quả từ mỗi người dân lúc này là hạn chế tối đa việc ra ngoài, khi phải ra ngoài đeo khẩu trang đúng cách, luôn phải nhớ "rửa tay, rửa tay và rửa tay". Ngoài ra, tự biết cách chăm sóc, nâng cao sức đề kháng của bản thân, gia đình; cập nhật thông tin chính thống, tránh hoang mang. Vắc xin hiệu quả nhất lúc này chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 di chuyển không phải là cách phòng, chống dịch an toàn, thậm chí phản khoa học bởi nó sẽ khiến dịch bệnh phức tạp, khó kiểm soát hơn và ngành y tế cũng vì thế mà áp lực hơn.
Tiếp thu thông tin về kiến thức phòng tránh dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hạn chế đi lại, bảo hộ và khử khuẩn tay đúng cách là cách tốt nhất để phòng tránh lây nhiễm.
Để không bị hoang mang lo lắng thì phải có hiểu biết về dịch, về chống dịch, về biểu hiện lâm sàng… hiểu để bảo vệ cho cá nhân, gia đình mình được tốt hơn, hiểu để có trách nhiệm với xã hội, để cùng ngành y tế chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ, người có nguy cơ lây nhiễm mà trốn cách ly có thể lây bệnh trước tiên cho những người thân trong gia đình. Vì vậy, tự giác, trung thực kê khai nghiêm túc là tránh nhiệm bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh Covid-19 cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Hà Anh (Giadinh.net.vn)