Những biến chứng thần kinh do rượu

18/01/2018 15:32:11

Nghiện rượu gây ra rất nhiều biến chứng về tiêu hoá, gan mật cũng như về thần kinh và tâm thần.

Nghiện rượu gây ra rất nhiều biến chứng về tiêu hoá, gan mật cũng như về thần kinh và tâm thần. Rượu có thể gây tổn thương đồng thời cả hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, ảnh hưởng đến bản thân người bệnh và những người thân trong gia đình cũng như những người xung quanh.

Trong nội dung bài viết này chúng tôi xin giới thiệu về các biến chứng thần kinh do rượu tùy theo số lượng rượu uống vào và mức độ ảnh hưởng đến thần kinh nhằm khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu, nhất là hiện nay trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều rượu giả, rượu chưng cất không đảm bảo đúng quy trình...

Say rượu: Say rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu đột ngột, gồm say rượu đơn thuần và say rượu bệnh lý.

Say rượu đơn thuần thể hiện bởi sự thay đổi về khí sắc (thông thường theo hướng “trò hề”); mất ức chế về thái độ hay còn gọi là chứng tháo lời (nói liên tục không ngừng), xâm lấn, kích thích; nói khó và mất điều hoà động tác (đi loạng choạng, đi hình zíc zắc).

Say rượu bệnh lý thể hiện bởi những rối loạn nặng về thái độ như say hưng phấn vận động với những cơn quá khích và bạo lực; say hoang tưởng với ảo giác, hay gặp nhất là hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị truy hại.

Say rượu có thể dẫn đến hôn mê do rượu, khi nồng rượu trong máu vượt quá 4g/lít, biểu hiện bằng hôn mê yên tĩnh (giảm trương lực cơ, giãn đồng tử hai bên đối xứng kém phản ứng với ánh sáng, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, trừ trường hợp có chấn thương sọ não kèm theo); hạ thân nhiệt (hay gặp).

Hôn mê do rượu có thể dẫn đến những biến chứng nặng như truỵ mạch, tụt huyết áp, suy hô hấp, co giật, tiêu cơ vân có thể dẫn đến nguy cơ tăng kali máu và suy thận cấp, hạ đường máu, toan máu, viêm gan cấp hay viêm tuỵ cấp.

Hội chứng “ngưng rượu”:

“Ngưng rượu” là do ngừng hoặc giảm đột ngột uống rượu ở những người nghiện rượu mạn tính. Ngưng rượu dẫn đến những rối loạn về thần kinh và tim mạch.

Những triệu chứng sớm của ngưng rượu như run; lo lắng, cáu gắt, mất ngủ; nôn, ăn kém; nhịp tim nhanh, tăng nhẹ huyết áp, tăng tiết mồ hôi; động kinh toàn bộ cơn lớn có thể xuất hiện ngay sau cai rượu 6 giờ.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và gây nên tình trạng “sảng rượu”.

“Sảng rượu” biểu hiện bằng mất định hướng không gian và thời gian; ảo giác; mất ngủ, đảo ngược nhịp ngày đêm; kích thích, rối loạn nhân cách với những hoạt động tưởng tượng phù hợp với tình trạng sảng, kèm theo những dấu hiệu thần kinh như run; nói khó; rối loạn thăng bằng và phối hợp động tác; cơn động kinh.

Triệu chứng toàn thân bao gồm sốt; tăng nhịp tim, hạ huyết áp; mồ hôi nhiều; có dấu hiệu mất nước. Sảng rượu có thể gây biến chứng truỵ tim mạch do mất nước cấp; tự sát hoặc tấn công.

Động kinh do rượu: Ở những người nghiện rượu thường xuất hiện các cơn co giật, đây là nguyên nhân đứng hàng đầu của cơn động kinh sau 20 tuổi.

Cơn động kinh do rượu bao gồm những cơn động kinh khi ngưng rượu; những cơn động kinh do ngộ độc rượu cấp; những cơn thứ phát ở bệnh nhân có tiền sử chấn thương sọ não cũ; những cơn động kinh trong đợt mắc bệnh não...

Bệnh đa dây thần kinh: Bệnh xuất hiện do kết hợp 2 cơ chế: ngộ độc rượu mạn và thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu nhiều loại vitamin (B1, B2, PP). Bệnh đa dây thần kinh chiếm khoảng 10% ở những bệnh nhân nghiện rượu.

Bệnh tiến triển chậm, biểu hiện bằng tê bì kiến bò, rát bỏng kèm liệt nhẹ ở hai chân hoặc tứ chi, có thể kèm theo teo cơ hoặc không.

Teo tiểu não: Đây là loại biến chứng hay gặp, nguyên nhân chưa rõ. Teo khu trú thuỳ nhộng và hai bán cầu tiểu não. Bệnh hay gặp ở nam giới, xung quanh tuổi 50.

Bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều tuần, biểu hiện lâm sàng bằng triệu chứng rối loạn dáng đi liên quan đến tổn thương tiểu não tĩnh trạng, tổn thương tiểu não động trạng thường kín đáo hơn. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não: teo tiểu não phối hợp với teo vỏ não.

Điều trị bằng cai rượu phối hợp với vitamin nhóm B, bệnh ổn định sau vài tháng.

Những biến chứng thần kinh do rượu
Điều trị cho bệnh nhân bị hôn mê do rượu tại Trung tâm chống độc- BV Bạch Mai. Ảnh: TL

Bệnh não Wernicke:

Đây là bệnh hay gặp, xuất hiện ở những người nghiện rượu mạn nhưng cũng có thể gặp ở những người suy dinh dưỡng không nghiện rượu.

Yếu tố khởi phát cơn đó là thiếu vitamin B1 (vitamin B1 có vai trò quan trọng trong chuyển hoá Glucid), mặt khác nó cũng được giải phóng ở cúc tận cùng của hệ Cholinergic.

Những yếu tố liên quan đến thiếu vitamin B1 ở bệnh nhân nghiện rượu là suy dinh dưỡng do ăn kém hoặc ăn kiêng nghèo protein; kém hấp thu do viêm dạ dày mạn và cắt dạ dày hoặc rối loạn nhu động ruột; tăng nhu cầu vitamin B1 do ăn nhiều Glucid.

Vị trí tổn thương ở vùng xung quanh cống Sylvius, não thất ba và não thất bốn, nhất là củ núm vú (tổn thương hỗn hợp Nơron, mạch máu, thần kinh đệm).

Biểu hiện lâm sàng gồm rối loạn tiêu hoá (buồn nôn, nôn), gầy sút cân, ý tưởng chậm chạp với khuynh hướng ngủ gà, giai đoạn khởi phát kéo dài vài ngày đến vài tuần, bệnh tiến triển nặng dần, một số trường hợp khởi phát cấp tính do ăn quá nhiều Glucid; tiếp theo bệnh nhân lú lẫn, ngủ nhiều, bịa chuyện, rối loạn trí nhớ, nhận biết sai gợi ý hội chứng Korsakoff; rối loạn dáng đi; các biểu hiện ở mắt như rung giật nhãn cầu, liệt dây VI và dây III; các dấu hiệu khác như tăng trương lực chống đối, tăng nhịp tim.

Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì những rối loạn về dáng đi và thị giác hồi phục nhanh. Nếu điều trị muộn, nguy cơ gây tử vong hoặc để lại di chứng hội chứng Korsakoff.

Hội chứng Korsakoff: quên ngược chiều, không có khả năng ghi nhận thông tin mới, mất định hướng trong không gian và thời gian, bịa chuyện, nhận biết sai, mất nhận biết đồ vật.

Nguyên nhân hay gặp là thiếu vitamin Bở bệnh nhân nghịên rượu mạn dẫn đến tổn thương hai bên (không nhất thiết cân xứng) của vòng cá ngựa - thể múm vú và đồi thị.

Triệu chứng lâm sàng được hình thành một cách từ từ và trong 80% các trường hợp tiếp theo bệnh não Wernick nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Khúc Thị Nhẹn (Sức Khỏe & Đời Sống)