Sự việc éo le này diễn ra hơn 1 tuần nay, khiến cho nhiều phụ huynh có con nhỏ ở TP.HCM hoang mang, lo lắng khi trẻ đã đến ngày chích ngừa nhưng khi đến nơi thì nhân viên y tế lắc đầu vì không còn thuốc.
Sáng đầu tuần, chị Phương (30 tuổi) đưa con gái đến Trạm y tế phường Bình Trưng Tây, Quận 2 để chích ngừa vắc-xin 5 trong 1 (Quinvaxem) theo lịch tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên vừa vào khu vực tiêm thì nhân viên thông báo vắc-xin này đã không còn. Người phụ nữ này buộc lòng phải đưa bé về với tâm lý hoang mang, sợ con có thể phát bệnh trong thời gian chờ đợi.
"Con em 4 tháng tuổi rồi, chỉ còn 1 mũi nữa là xong nhưng nay lại hết vắc-xin. Chắc ngày mai em phải ôm cháu lên thẳng Viện Pasteur để tiêm xong mới an tâm" - chị nói.
Tình cảnh này cũng diễn ra với chị Trang (26 tuổi) khi con trai đầu lòng đã đủ 2 tháng tuổi nhưng khi đến trạm y tế thì đành phải quay về vì không còn vắc-xin tiêm ngừa. Chị cho biết, con mình sinh ra với thể trạng tương đối yếu nên rất mong sẽ sớm được tiêm để ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Còn chị Lê Thị Tuyết Sương (phường 11, quận Gò Vấp) thì may mắn hơn khi vẫn tiêm ngừa được mũi vắc-xin 5 trong 1 thứ 2 cho con trai 3 tháng tuổi tại Trạm y tế phường 11. Tuy nhiên khi nghe thông báo đã hết, bà mẹ trẻ không khỏi lo lắng vì theo lịch con của chị vẫn còn một mũi tiêm nữa. Thậm chí vì quá lo lắng, chị còn định sẽ tiêm dịch vụ tại các cơ sở tư nhân.
Bà Đinh Thị Liên, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bình Trưng Tây (Quận 2) xác nhận, dù ngày 10/9 là ngày tiêm chủng định kỳ nhưng nơi đây chỉ còn vỏn vẹn 3 liều vắc-xin Quinvaxem (vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib).
Nhiều phụ huynh dù có con đến lịch tiêm nhưng do vắc-xin không còn nên đành ngậm ngùi quay về.
Còn tại huyện Bình Chánh, BS Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thông tin, hiện vắc –xin Quinvaxem chỉ còn đủ số lượng để chích ngừa cho trẻ em trên địa bàn huyện trong nửa tháng nữa. Quá thời hạn trên thì nơi đây cũng đành bó tay vì vắc-xin Quinvaxem không còn được sử dụng, trong khi vắc-xin thay thế là vắc-xin Combe five vẫn chưa được phân phối về.
Theo BS Hòa, trong thời gian chờ vắc-xin mới, phụ huynh có thể chích ngừa thay thế bằng vắc-xin dịch vụ (Pentaxim và Infanrix Hexa) tuy nhiên giá sẽ cao. Ông trấn an người dân rằng chích ngừa trễ 1 tháng cũng không ảnh hưởng gì, cứ chờ vắc-xin mới.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng xác nhận, TP.HCM đã hết vắc xin Quinvaxem cách đây ít ngày.
Trước đó, Cục Y tế Dự phòng cho biết, nhà sản xuất vắc xin Quinvaxem tại Hàn Quốc đã có thư thông báo ngừng sản xuất từ năm 2016 và ngừng cung ứng vắc-xin này trên toàn cầu từ năm 2018.
Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin 5 trong 1 khác (ComBE Five) tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin Quinvaxem.
Theo Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia hiện đang chờ vắc-xin này được cấp phép xuất xưởng nên chưa thể tiếp tục cấp phát vắc xin DPT-VGB-Hib cho các tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở cho biết, dù Bộ Y tế đã gửi công văn sẽ cung ứng vắc-xin thay thế nhưng đến thời điểm này Sở Y tế Thành phố vẫn chưa nhận được vắc-xin mới.
Để kịp thời đáp ứng với tình hình trên, Sở đã có văn bản chính thức gửi lên Bộ Y tế và thông báo rộng rãi đến 24 trung tâm y tế quận, huyện và 14 bệnh viện/trung tâm có Tiêm chủng mở rộng về tình hình thiếu vắc xin Quinvaxem, đồng thời hướng dẫn các đơn vị triển khai các giải pháp chuyên môn cũng như các hoạt động tư vấn, truyền thông cho người dân.
Sở Y tế khuyến cáo đối với các phụ huynh có trẻ 2-3-4 tháng tuổi cần thực hiện theo các hướng dẫn sau: Vẫn đưa trẻ ra Trạm Y tế trên địa bàn cư trú để trẻ được uống vắc-xin ngừa bệnh bại liệt. Tuân thủ theo lịch hẹn tiêm chủng lần sau của Trạm Y tế.
Khi cho trẻ đi tiêm chủng cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên hệ để giúp Trạm y tế có thể thông báo cho phụ huynh về lịch tiêm bù vắc-xin ngay khi nhận được vắc xin 5 trong 1 trở lại, nhằm đảm bảo trẻ không bị mất mũi tiêm chủng phòng bệnh quan trọng.
Đồng thời để có thể bảo vệ trẻ không bị lây bệnh, phụ huynh cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi chăm sóc, tiếp xúc trẻ; không để trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc có các triệu chứng bệnh hô hấp, sốt chưa rõ nguyên nhân.
"Nếu phụ huynh có điều kiện thì có thể cho trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thay thế vắc-xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng" - Lãnh đạo Sở Y tế khuyến khích.
Theo Hoàng Lê (Thời Đại)