Trời càng lạnh thì ai cũng thích ăn thịt nướng hay ngồi quây quần bên nồi lẩu nóng, đặc biệt là đồ cay. Đây chính là "thủ phạm" khiến chị em bị nhiệt miệng mãi không khỏi. Lúc mắc bệnh thường mất nhiều thời gian để lành và có rất ít giải pháp chữa tạm thời.
Nếu không tìm cách xử lý ngay, chứng nhiệt miệng có thể kéo dài tới cả tuần, cả tháng khiến bạn mệt mỏi và khó khăn khi giao tiếp. Theo Vivek Baliga – bác sĩ tim mạch tại Ấn Độ kiêm nhà sáng lập trang web sức khỏe heartsense tiết lộ, vì miệng là nơi nhạy cảm nên hãy dùng những liệu pháp thiên nhiên để tránh kích ứng và chữa nhiệt nhanh hơn. Cụ thể là 5 loại thực phẩm sau:
1. Mật ong
Không chỉ là nguyên liệu nấu ăn thơm ngon, mật ong còn là một bài thuốc giúp khử trùng và giảm sưng. Chính nhờ đặc tính kháng khuẩn này, mật ong thường được dùng để trị bỏng và nhiệt miệng, thúc đẩy vết thương nhanh lành mà không để lại sẹo. Khoa học từ lâu đã kiểm chứng tác dụng này và thấy công dụng còn tốt hơn thuốc.
Nếu muốn chữa nhiệt miệng bằng mật ong, hãy chọn loại mật ong hữu cơ và chưa qua chế biến. Bạn có thể súc miệng với nước mật ong hoặc bôi trực tiếp lên vết nhiệt, nhưng chúng ta thường vô tình liếm hết phần mật đi nên cần bôi liên tục 2-3 lần/ngày. Tốt nhất là bôi trước khi ngủ và không ăn uống gì nữa để nhanh lành hơn.
2. Dầu dừa
Với phụ nữ ngày nay thì chẳng ai còn lạ gì dầu dừa nữa. Chẳng những dùng để làm bánh mà nó cũng giúp da dẻ mịn màng, trẻ đẹp hơn. Tuy nhiên có một công dụng khác của dầu dừa mà rất người biết, đó chính là dùng như một loại thuốc chữa nhiệt miệng – vừa rẻ mà tác dụng rất cao.
Theo đó, trong dầu dừa có chứa axit lauric giúp giảm đau, giảm sưng và bớt khó chịu do nhiệt miệng gây ra. Chị em hãy dùng dầu dừa súc miệng 2 – 3 lần/ngày hoặc bôi vào chỗ loét để làm dịu nốt nhiệt, làm tương tự như mật ong. Duy trì làm đều dặn sẽ thấy nhiệt miệng tự động lành.
3. Nước cam
Trong cam tươi luôn chứa hàm lượng lớn vitamin C tốt cho hệ miễn dịch, chống oxy hóa và kháng khuẩn kháng viêm cực tốt. Chăm uống nước cam cũng là một cách tăng sức đề kháng và bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, trong thành phần của cam sở hữu các chất folate và vitamin B hỗ trợ hình thành tế bào, giúp các vết loét miệng nhanh lành hơn. Bạn nên tích cực uống 1 ly nước cam mỗi ngày (không uống nhiều hơn mốc này) và hạn chế uống trước khi ngủ vì có thể gây tiêu chảy.
4. Giấm táo
Trong giấm táo có chứa axit axetic giúp diệt hại khuẩn và gia tăng lợi khuẩn. Chúng đóng vai trò như một vị thuốc kháng sinh tự nhiên, giúp cải thiện tình trạng nhiệt miệng nhanh chóng. Chưa kể giấm táo cũng tăng tốc độ hồi phục vết thương, chỉ vài ngày thôi là thấy kết quả ngay.
Để chữa nhiệt miệng, bạn hãy pha giấm táo chung với nước với tỷ lệ bằng nhau, cứ 1 muỗng nước thì hòa với 1 muỗng giấm kèm theo. Dùng hỗn hợp này để súc miệng mỗi ngày 1 – 2 lần, mỗi lần vài phút thì các vết loét miệng sẽ nhanh chóng biến mất. Lặp lại cho đến khi lành mới ngưng.
5. Bột nghệ
Nghệ là một chất khử trùng tuyệt vời thường được người Ấn Độ đưa vào nền ẩm thực của họ. Nếu kết hợp chung với mật ong, hỗn hợp này sẽ giúp bạn chữa loét miệng nhanh gấp đôi mà không phải ai cũng biết.
Cụ thể, hãy trộn mật ong với tinh bột nghệ thành hỗn hợp đặc sệt, sau đó đắp lên phần loét miệng trong 2 – 3 phút rồi súc miệng lại với nước sạch. Tuy hơi đắng nhưng nếu cố gắng thực hiện mỗi ngày vài lần, bạn sẽ nhận về kết quả xứng đáng.
Ngoài sử dụng 5 thực phẩm sau, bạn hãy cố gắng làm thêm những việc này để ngăn chặn loét miệng ngay từ đầu
- Giữ khoang miệng luôn sạch sẽ, đánh răng mỗi ngày ít nhất 2 lần để loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi miệng.
- Tạm thời không ăn đồ cay nóng bởi chúng sẽ cản trở quá trình lành vết nhiệt miệng.
- Cố gắng uống thật nhiều nước để cơ thể thanh lọc độc tố, mỗi ngày 2 lít để vừa đẹp da lại còn ngừa bệnh.
- Ưu tiên ăn những món mềm và mát như rau xanh, hoa quả để cung cấp chất xơ lẫn vitamin, giúp chữa nhiệt miệng nhanh hơn.
- Hạn chế tiêu thụ đồ uống có chứa axit, caffeine và cồn khi mắc bệnh.
Theo M.V (Pháp Luật & Bạn Đọc)