Liu Boren, một chuyên gia về dinh dưỡng và y học chức năng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, anh từng gặp một người phụ nữ uống khoảng 5 lít nước mỗi ngày để giảm cân.
Kết quả là cân nặng không giảm mà cô còn bị chóng mặt và mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng. Mãi cho đến khi bác sĩ nhắc cô giảm xuống uống 3 lít nước mỗi ngày, tình trạng chóng mặt của bệnh nhân mới được cải thiện và nhu động ruột trở lại như ban đầu.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Liu Boren, uống quá nhiều nước, chẳng hạn như uống một lúc hơn 2 lít nước hoặc uống hơn 5-6 lít nước mỗi ngày có thể gây hạ natri máu và ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.
Nếu natri máu thấp hơn 130mEq/L, cơ thể sẽ bắt đầu mệt mỏi nhẹ; nếu thấp hơn 120mEq/L, sẽ có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn và nôn; nếu thấp hơn 100mEq/L, thậm chí có thể gây tử vong.
Vì vậy, chuyên gia dinh dưỡng Liu Boren nhắc nhở rằng việc uống nước rất quan trọng, nhưng lượng nước nên được tính toán phù hợp với trọng lượng cơ thể, không quá ít hoặc quá nhiều.
Ngoài ra, những người bị phù, cổ trướng, suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng, rối loạn nội tiết nên hạn chế uống nước. Không nên tính lượng nước uống hàng ngày 1-2 lít như người bình thường mà phải dựa theo tổng lượng nước tiểu của ngày hôm trước cộng với 500-800ml.
Uống bao nhiêu nước trong ngày là đủ?
Chuyên gia dinh dưỡng người Cai Yiting chỉ ra rằng lượng nước uống mà mỗi người cần là khác nhau, công thức đơn giản nhất cho người trưởng thành khỏe mạnh nói chung có thể được ước tính bằng "trọng lượng cơ thể x 30~ 40ml".
Tức là đối với một người trưởng thành nặng 50kg, lượng nước cần uống vào khoảng 50x30=1500ml mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu ở ngoài trời vào mùa hè, cơ thể sẽ mất nhiều nước nên cần bổ sung thêm nước.
Chuyên gia Cai Yiting cho biết đây là phương pháp tính toán gần đúng chứ không chính xác hoàn toàn cho mọi đối tượng. Nếu mắc các bệnh lý đặc biệt như bệnh thận mãn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sỏi thì nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh lượng nước nạp vào.
Chuyên gia Cai Yiting cũng nhắc nhở mọi người khi uống nước không được uống hết một hơi mà nên uống từng ngụm nhỏ. Canh, trà, cà phê và sữa đều là chất lỏng nên cũng được tính vào nhu cầu nước hàng ngày, nhưng chú ý cách nêm nếm canh không nên quá mặn.
Làm sao để biết cơ thể đủ nước?
Trung bình, mỗi người cần khoảng 2 lít nước mỗi ngày nhưng lượng nước cụ thể còn tùy thuộc vào cân nặng, nhiệt độ môi trường xung quanh và hoạt động thể chất.
Ví dụ, nhu cầu chất lỏng hàng ngày của một phụ nữ 56,6 kg là 2,2 lít; một người đàn ông gần 75 là 2,57 lít nước. Điều quan trọng cần nhớ là lượng nước này bao gồm cả từ đồ uống và thực phẩm. Nếu một người có chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả thì nhu cầu uống nước và đồ uống khác sẽ ít hơn.
Các yếu tố quan trọng khác liên quan đến nhu cầu nước là nhiệt độ môi trường xung quanh và mức độ hoạt động. Nếu bạn đọc sách hoặc ít vận động khác trong một căn phòng mát mẻ, nhu cầu về nước của ít hơn đáng kể so với người tập thể dục dưới nhiệt độ 32 độ C.
Cơ thể sẽ cho bạn biết khi nào đói, ốm, mệt và khát. Chú ý cơn khát là một trong những cách tốt nhất để duy trì tình trạng nước tốt cho cơ thể. Một phương pháp hiệu quả khác là nhìn màu sắc nước tiểu. Tùy thuộc vào tình trạng nước trong cơ thể, màu nước tiểu có thể thay đổi từ vàng đậm đến trong. Nếu nước tiểu có màu vàng sẫm, bạn cần phải uống nhiều hơn vì đó có thể là dấu hiệu của cơ thể thiếu nước.
Cung cấp đủ nước giúp tránh mất nước, nước tiểu loãng góp phần ngăn ngừa sỏi thận và nhiễm trùng tiết niệu, ruột đào thải đều đặn, duy trì làn da ẩm và mềm mại... Ngoài ra, cảm giác khát có thể bị nhầm lẫn với đói và một số người tìm đến đồ ăn dù họ cần cung cấp nước.
Uống đủ nước có thể khiến bạn đi tiểu nhiều, không tốt cho người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt. Đây là một hội chứng bao gồm 4 nhóm triệu chứng: tiểu gấp, tiểu lắc nhắt, tiểu đêm và có thể kèm theo són tiểu.
PN (Nguoiduatin.vn)