Thông tin nhạc sĩ nổi tiếng Ngọc Châu với những ca khúc đã gắn liền với nhiều thế hệ như "Cô Tấm ngày nay", "Chiều xuân", "Thì thầm mùa xuân",... đột ngột qua đời khiến bạn bè, đồng nghiệp và dân mạng bàng hoàng, xót thương. Nguyên nhân qua đời của cố nhạc sĩ là do suy tim nặng.
Suy tim là gì?
Suy tim được biết đến là một hội chứng lâm sàng phức tạp. Đây là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim khiến cho tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc tống máu (suy tim tâm thu).
Khi bị suy tim, tim không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào khiến người bệnh mệt mỏi và khó thở, một số người bị ho. Các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hoặc mang vác đồ có thể trở nên khó khăn hơn. Khi bệnh nhân gắng sức, có thể xuất hiện tình trạng ứ dịch dẫn đến sung huyết phổi và phù ngoại vi.
Triệu chứng của bệnh suy tim
Các triệu chứng của suy tim có thể khác nhau ở mỗi người. Chúng có thể bắt đầu đột ngột hoặc phát triển dần dần trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Các triệu chứng phổ biến nhất của suy tim là:
• Khó thở: có thể xảy ra ngay sau khi người bệnh hoạt động hoặc nghỉ ngơi; nặng hơn là khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm khiến người bệnh thức dậy.
• Mệt mỏi: người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu sức hầu trong hầu hết thời gian.
• Sưng chân và mắt cá chân: do tình trạng tích nước, có thể nhẹ vào buổi sáng và nặng hơn vào cuối ngày.
Các triệu chứng khác của suy tim bao gồm:
• Ho dai dẳng có thể nặng hơn vào ban đêm; có khi ho ra máu hay bọt hồng.
• Thở khò khè.
• Đầy hơi.
• Ăn mất ngon.
• Tăng cân hoặc sụt cân.
• Chóng mặt và ngất xỉu.
• Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim hoặc đánh trống ngực.
• Một số người bị suy tim cũng có thể cảm thấy trầm cảm và lo lắng, mất ngủ
Điều trị suy tim
Suy tim là một bệnh mãn tính người bệnh cần được quản lý suốt đời. Tuy nhiên, với việc điều trị, các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim có thể được cải thiện, và đôi khi tim trở nên khỏe hơn, chức năng tim hồi phục. Điều trị đúng cách có thể giúp người bệnh có cuộc sống chất lượng hơn, sống thọ hơn và giảm nguy cơ đột tử.
Hầu hết trong mọi trường hợp điều trị suy tim bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp các loại thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ.
Thuốc điều trị
Để điều trị suy tim, bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc tùy vào từng triệu chứng, giai đoạn và nguyên nhân suy tim sẽ có những phác đồ thuốc khác nhau. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị như:
• Thuốc ức chế men chuyển (ACE): thững thuốc này có hiệu quả tốt đối với người bị suy tim, cơ chế thuốc giúp giãn mạch máu để hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm tải hoạt động cho tim, dùng được trong tất cả các giai đoạn của suy tim.
• Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: nhóm thuốc này có thể được sử dụng để thay thế cho trường hợp bệnh nhân không dung nạp với thuốc ức chế men chuyển (ACE).
• Thuốc chẹn beta: đây là nhóm thuốc giúp làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, phòng ngừa và điều trị rối loạn nhịp nhanh, cải thiện chức năng tim và phòng ngừa đột tử.
• Thuốc lợi tiểu: thuốc này giúp bệnh nhân đi tiểu thường xuyên hơn, hạn chế việc tích nước trong cơ thể, đặc biệt là ở phổi giúp bệnh nhân dễ thở.
• Thuốc đối kháng Aldosterone: đây là những thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, có tác dụng giảm sợi hóa cơ tim, kéo dài đời sống người bệnh.
• Thuốc tăng co bóp cơ tim: là loại thuốc tiêm tĩnh mạch được sử dụng cho những người bị suy tim nặng trong bệnh viện để cải thiện chức năng bơm máu của tim và duy trì huyết áp. Tuy nhiên, thuốc này không giúp kéo dài đời sống của bệnh nhân suy tim,
• Digoxin (Lanoxin): thuốc này giúp tăng sức mạnh co bóp cơ tim, đặc biệt chỉ định ở bệnh nhân suy tim có kèm rung nhĩ.
Hầu hết trong mọi trường hợp điều trị suy tim bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp các loại thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ
Phác đồ thuốc có thể sử dụng kết hợp tùy theo thể trạng bệnh nhân, bên cạnh đó một số thuốc khác như nitrat có thể được dùng để giảm cơn đau thắt ngực, statin để giảm cholesterol hoặc thuốc làm loãng máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông… có thể được sử dụng tùy theo tình trạng bệnh lý.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp, bác sĩ khuyên bạn nên phẫu thuật để điều trị nguyên nhân suy tim như mổ van tim nếu suy tim do bệnh van tim, mổ bắc cầu mạch vành nếu suy tim do hẹp động mạch vành, mổ sửa chữa bệnh tim bẩm sinh hoặc điều trị cắt đốt rối loạn nhịp
Một số phương pháp điều trị đang được nghiên cứu và sử dụng ở một số người bao gồm cấy máy tái đồng bộ thất trái (CRT), cấy máy khử rung tự động (ICD), thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD), ghép tim, và gần đây nhất là thay tim nhân tạo toàn bộ. Các kỹ thuật này chỉ áp dụng ở viện lớn bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
• Máy khử rung tim tự động (ICD): sử dụng cho người suy tim phân xuất tống máu giảm < 35%, giúp phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất. Khi tim bị rung thất hay nhanh thất, máy sẽ phát ra dòng điện như sốc điện để cắt cơn loạn nhịp, đưa nhịp tim về bình thường.
• Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT): sử dụng ở bệnh nhân suy tim phân xuất tống máu giảm, có phức bộ QRS trên điện tâm đồ rộng. Máy này sẽ giúp 2 tâm thất co bóp đồng bộ hơn, cải thiện chức năng tim và triệu chứng suy tim của người bệnh.
• Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VADs): đây là thiết bị hỗ trợ tuần hoàn cơ học hoạt động như một máy bơm cơ học có thể cấy ghép giúp bơm máu từ các buồng dưới của tim (tâm thất) đến phần còn lại của cơ thể. VAD được cấy vào bụng hoặc ngực và gắn vào tim để giúp nó bơm máu đến phần còn lại của cơ thể.
• Ghép tim: Trong trường hợp suy tim giai đoạn cuối không đáp ứng với các biện pháp điều trị ở trên cần được đưa vào danh sách đăng ký ghép tim. Cấy ghép tim có thể cải thiện sự sống còn và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người bệnh suy tim cần nhận biết những dấu hiệu bệnh trở nặng để thăm khám ngay lập tức:
• Tăng cân nhanh.
• Phù.
• Khó thở.
• Ngất, hồi hộp đánh trống ngực.
• Đau ngực hoặc nặng ngực.
• Mệt nhọc hoặc khó thở khi sinh hoạt tập luyện hằng ngày.
Phòng ngừa bệnh Suy tim
• Chế độ ăn lành mạnh: giảm muối, nhiều hoa quả rau xanh, hạn chế mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, hạn chế ăn phủ tạng động vật
• Tập luyện thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
• Bỏ thuốc lá hoàn toàn
• Kiểm soát huyết áp bằng thay đổi lối sống và uống thuốc đều đặn
• Kiểm soát đường máu, lipid máu
• Điều trị sửa chữa các bệnh tim cấu trúc
Theo Hoàng Khuông (Công lý & Xã hội)