Dâu trưởng, chỉ nghe tới chức này thôi là chị em đã ám ảnh bởi những gánh nặng mà họ phải gánh trên vai.
Cũng vì quá áp lực với trọng trách dâu trưởng, M.D tâm sự:
"Nhà chồng em đông anh em, 3 trai, 2 gái. Chồng em là trưởng, sau cưới chúng em ở với bố mẹ chồng, còn 2 em trai của anh được bố mẹ thêm tiền vào cho mua nhà ở riêng.
Vì là dâu trưởng lại còn sống chung với bố mẹ chồng nên mọi chuyện trong họ là vợ chồng em phải gánh vác. Những hôm nhà có giỗ em mới khổ. 2 nàng dâu thứ với 2 cô em chồng toàn lấy lý do bận việc, cứ trước ngày giỗ mang tiền về đóng góp coi như xong nhiệm vụ. Hôm sau tới giờ ăn thì về, hoặc cùng lắm về sớm hơn chút rửa rau thơm, sắp mâm. Ăn xong bát cũng không rửa, chỉ trực xem cỗ bàn thừa lại gì thì chia nhau cầm về".
D. tâm sự rằng, mấy năm cô về làm dâu không hề nhận được sự chia sẻ công việc với các em dâu, em chồng khiến cô nhiều khi mệt mỏi, ức chế vô cùng. Bởi cùng là phận phụ nữ đi lấy chồng, ai cũng hiểu những áp lực của chức phận làm dâu vậy mà chị em trong nhà lại không hiểu, không đỡ đần nhau để cùng san sẻ gánh nặng cho nhau thành thử trọng trách dâu trưởng trên vai cô lại càng nặng nề hơn.
D. kể: "Cuối tuần vừa rồi là giỗ ông nội chồng em. Vẫn như thường lệ, trước giỗ 2 ngày, 2 dâu thứ, 2 cô em chồng em về góp giỗ. Mỗi người đưa một phong bì cho anh chị coi như thế là xong nhiệm vụ.
Đợt này công việc của em bận, mặc dù là cuối tuần nhưng em vẫn phải lên công ty làm sổ sách giấy tờ cho sếp để lo dự án mới. Thấy thứ 7 mọi người đều được nghỉ nên em bảo 2 em dâu với 2 em chồng hôm giỗ về sớm làm cỗ đỡ em. Vậy mà 2 dâu thứ lập tức thoái thác, người thì kêu bận đưa con đi học tiếng Anh, người thì mặt sưng không nói gì. Cô em út chồng lại bảo: 'Lo giỗ lễ là việc của dâu trưởng. Bận thế nào cũng phải tự liệu việc nhà chồng nên cứ như lệ cũ mà làm. Chúng em phận làm em không thể đứng ra lo thay được'.
Vậy là hôm giỗ, các em dâu em chồng em vẫn không về sớm. Em bận việc phải đi làm tới 10h rồi xin sếp về sớm. Lúc đó 4 gia đình kia mới đưa nhau sang. Tuy nhiên họ vào nhà thay vì nhìn thấy cỗ bàn xếp sẵn như mọi khi thì lại chỉ thấy 4 cái phong bì hôm trước đưa cho chồng em được đặt ngay ngắn trên mặt bàn. Họ hỏi chồng em vậy là sao, anh cười bảo: 'Bố mẹ đã giao cho vợ chồng anh tự định đoạt việc giỗ lễ. Anh chị chỉ mong những ngày có công việc như thế này, mấy anh chị em trong nhà cùng đoàn kết, chung tay lo cỗ bàn để không khí gia đình vui vẻ nhưng mọi người lại toàn đùn đẩy trách nhiệm.
Vậy nên năm nay anh chị chỉ làm 1 mâm cơm nhỏ thắp hương các cụ. Tiền đóng góp của các em, anh chị đã dâng báo cáo tổ tiên và xin lộc để trả mọi người. Các em đừng nghĩ giỗ chạp chỉ cần tiền đóng gạo góp là xong. Thực tế anh chị không thiếu tiền, cái anh chị muốn là tình cảm gia đình, là sự san sẻ trách nhiệm của mọi người. Các em phải nhớ, tổ tiên là tổ tiên chung, không phải của một mình dâu trưởng, trai trưởng mà cứ đùn đẩy hết trách nhiệm cho anh chị như thế'.
Bố mẹ chồng em đứng bên nghe cũng tán thành với ý kiến của anh. Mấy người ấy thì đứng im, mặt người nào người ấy đỏ gay không nói được lời nào. Sau phải bảo nhau nhận sai, rút kinh nghiệm rồi cả nhà mới ngồi quây quần vui vẻ lại".
Trọng trách làm dâu đều đè nặng lên vai phụ nữ khi bước chân về nhà chồng. Vậy nên điều chị em mong mỏi chính là nhận được sự đồng cảm, ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Đặc biệt hơn ai hết, phụ nữ phải là những người cùng đứng chung "chiến tuyến", san sẻ và khích lệ nhau. Có như thế cảnh làm dâu của chị em mới không còn là nỗi ám ảnh.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)