Thân nhiệt cơ thể được điều hòa bởi vùng dưới đồi trong não. Khi nhiệt độ xuống thấp, máu bị ảnh hưởng và khi đi ngang qua vùng đồi thị sau não, các trung tâm giao cảm ở đó bị kích thích khiến mạch máu ngoại biên co lại, xảy ra phản ứng tạo nhiệt, làm thân nhiệt tăng. Trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, máu sẽ nóng và các trung tâm giao cảm bị kích thích khiến mạch máu giãn nở, cơ thể toát nhiều mồ hôi để hạ thân nhiệt.
Sài Gòn vào mùa mưa, sáng mới nắng gắt, chiều đã mưa dầm, cơ thể không thể thích ứng kịp dễ gây đau đầu, chóng mặt… Hà Nội cũng đang trong thời điểm nắng nóng, nhiều người chọn cà phê, siêu thị... làm nơi tránh nóng cần lưu ý nhiệt độ.
Khi trời đang nắng 37-38 độ C không nên đột ngột vào nơi có nhiệt độ thấp (khoảng 17-21 độ). Lúc này, cơ thể đang có mức cao, lỗ chân lông giãn nở, nhiệt độ quá lạnh khiến mạch máu co lại nhanh, gây thiếu máu não, dẫn đến mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt. Tình trạng nặng có thể khiến bạn khó thở, ngất xỉu, hôn mê. Trong một số trường hợp cần cắt cơn chóng mặt bằng thuốc nên có sự tư vấn từ bác sĩ.
Nếu tránh nóng, bạn để thân nhiệt hạ xuống từ từ như đứng dưới mái hiên khoảng 3-4 phút, sau đó mới vào môi trường máy lạnh. Trời đang nắng bỗng đổ mưa, nhiệt độ bị hạ đột ngột nên mau chóng trú mưa hoặc tìm cách giữ ấm cơ thể. Người đi xe hơi lưu ý chênh lệch nhiệt độ với môi trường để bị tránh sốc. Dân văn phòng trong phòng máy lạnh cả ngày, khi ra ngoài cần thời gian để cơ thể thích nghi.
Nhiệt độ cơ thể người bình thường trung bình 37 độ C. Nam giới thường có thân nhiệt cao hơn phụ nữ, trẻ em cao hơn người lớn. Thân nhiệt thay đổi trong ngày, thấp nhất vào buổi sáng, sau đó tăng dần lên, cao nhất vào chập tối và dần dần hạ xuống.
Thân nhiệt tăng giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tăng lên khi vận động, ăn uống..., xuống thấp lúc trời lạnh, trúng mưa, mặc quần áo ướt… Ngày nắng nóng cần hạn chế vận động quá sức, bổ sung đầy đủ nước và có chế độ dinh dưỡng cân bằng.
Theo Kim Uyên (VnExpress.net)