Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận và điều trị cho 1 bệnh nhân có khối u tăng nhanh, xâm lấn nhiều cơ quan khác trong ổ bụng sau một thời gian dài uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân là nam (38 tuổi, ở Quảng Ninh) phát hiện khối u sau phúc mạc cách đây 6 tháng với các triệu chứng đau tức bụng, khó chịu. Dù được bác sĩ tư vấn nhập viện điều trị, tuy nhiên do lo sợ phải phẫu thuật nên bệnh nhân đã về nhà tự uống thuốc nam với hy vọng khỏi bệnh.
Sau thời gian uống thuốc, tình trạng đau tức bụng kèm khó đại tiện ngày càng nặng nên bệnh nhân trở lại viện kiểm tra khối u. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy kích thước khối u từ tá tràng tăng nhanh xâm lấn tá tràng và có hạch nhỏ. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u ác sau phúc mạc, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u kèm nạo vét hạch. Sau 6,5 giờ phẫu thuật căng thẳng, kíp mổ đã lấy được khối u kích thước 8x7,5 cm và khối tá tụy.
Bác sĩ Vũ Đức Nin, Phó Khoa ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết bệnh nhân S. phát hiện khối u sau phúc mạc cách đây 6 tháng, khi đó u kích thước còn nhỏ, chưa xâm lấn các tổ chức xung quanh, nếu mổ ngay thì sẽ bóc tách u dễ dàng mà không phải cắt bỏ các bộ phận khác.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã về nhà dùng thuốc nam với hy vọng khỏi bệnh và bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất. Khi thăm khám lại khối u đã tăng kích thước, xâm lấn nhiều cơ quan khác trong ổ bụng, buộc phải cắt bỏ u rộng rãi kèm cắt khối tá tụy để đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận 2 bệnh nhi bị hư thận, suy thận do gia đình tự ý cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Một bệnh nhân là bé trai 6 tuổi, ở Hà Nội, vào viện trong tình trạng phù nề ở vùng chân và mặt, có nguy cơ quá tải dịch. Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ cho biết suốt 2 tháng qua, gia đình không cho trẻ đi khám khi trẻ có biểu hiện sưng phù mắt, tay, chân, mà tự ý điều trị bằng thuốc nam và châm cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng.
Bệnh tình của trẻ không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn, trẻ mệt mỏi, tiểu ít tăng cân nhanh bất thường (tăng gần 7 kg trong thời gian ngắn).
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chẩn đoán lâm sàng và làm một số xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư tiên phát và được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương). Hiện tình trạng trẻ đã dần ổn định.
Không may mắn như trường hợp trên, nam bệnh nhân 15 tuổi (ở Thanh Hóa) được chuyển đến lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận mạn.
Trước đó, đầu năm 2022, bố mẹ phát hiện chân trẻ bị phù nên có cho trẻ đi khám và được chẩn đoán là mắc hội chứng thận hư. Gia đình về điều trị tại bệnh viện địa phương, nhưng do thấy kết quả chưa được như mong muốn nên đã tự ý chuyển sang dùng thuốc nam và thuốc bắc.
Được khoảng 2 tháng, sức khỏe trẻ ngày một yếu đi, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, tăng huyết áp phải thở ôxy.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tình trạng bệnh nhân rất nặng, phải chạy thận nhân tạo sau đó sẽ chuyển sang thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Trẻ vẫn có cơ hội được chữa trị nhưng sẽ là một cuộc chiến lâu dài và cần phải thay thế thận.
"Đây chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình đã và đang cho con sử dụng các loại thuốc bắc, thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị các bệnh về thận như: Suy thận mạn, thận hư, viêm cầu thận,… gây ra nhiều nguy hiểm tính mạng cho trẻ. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, 80% trẻ thận hư có thể hồi phục hoàn toàn. Phác đồ điều trị bệnh thận hư cần được tuân thủ từ 3-6 tháng mới đem lại hiệu quả" - bác sĩ Ngọc nói.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tác dụng điều trị, dẫn đến nhiều biến chứng khôn lường.
Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu y học nào chứng minh thuốc nam có thể điều trị khỏi bệnh ung thư và nhiều căn bệnh mãn tính khác. Người bệnh cần kiên trì, tin tưởng điều trị theo phác đồ của các bác sĩ chuyên khoa, thực hiện sinh hoạt, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học, tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc.