Người Việt không chỉ ăn nhiều thịt mà còn uống nhiều bia: Vô số những hệ lụy cho sức khỏe trong tương lai

29/05/2021 09:32:41

Theo báo cáo mới nhất khảo sát năm 2020, người Việt không chỉ ăn nhiều thịt, ít rau mà còn gia tăng uống rượu bia. Điều này kéo theo một loạt những hệ lụy sức khỏe đáng lo ngại.

Người Việt không chỉ ăn nhiều thịt, ít rau...

Nằm trong nội dung khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của người Việt được Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2020 đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019 do ảnh hưởng Covid-19.

Thu nhập giảm, lượng gạo tiêu thụ trên mỗi đầu người bình quân cả nước giảm mạnh trong năm 2010-2020. Thế nhưng, sức tiêu thụ thực phẩm, bia và nước giải khát lại tăng.

Người Việt không chỉ ăn nhiều thịt mà còn uống nhiều bia: Vô số những hệ lụy cho sức khỏe trong tương lai
Người Việt ăn nhiều thịt nhưng lại quá ít rau xanh, củ quả...

Cụ thể, lượng thịt tiêu thụ đã tăng từ 1,8kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3kg năm 2020. Tiêu thụ trứng trong năm ngoái cũng tăng và đây là thực phẩm được các hộ gia đình lựa chọn nhiều vì để được lâu, giàu dinh dưỡng giúp đi qua những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Thế nhưng, người Việt ăn nhiều thịt nhưng lại quá ít rau xanh, củ quả... Theo một điều tra do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 ghi nhận, có đến 57% người Việt trưởng thành ăn ít rau và trái cây.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng ghi nhận trong thời gian gần đây, mỗi người Việt chỉ ăn khoảng 200g rau xanh một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) (khoảng 400g mỗi ngày).

Hơn một nửa dân số Việt Nam trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo. Đặc biệt, nam giới lại càng lười ăn rau xanh hơn nữ giới, với 61,3% nam giới và 51,4% nữ giới chưa ăn đủ lượng rau xanh so với khuyến cáo.

Người Việt không chỉ ăn nhiều thịt mà còn uống nhiều bia: Vô số những hệ lụy cho sức khỏe trong tương lai - 1
Hơn một nửa dân số Việt Nam trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo.

Trong vòng 30 năm qua, mức tiêu thụ thức ăn từ động vật như thịt, cá đều tăng, đặc biệt là thịt. Trong khi đó, mức tiêu thụ rau xanh trong 30 năm qua không hề tăng lên, thậm chí giảm 10% nên lượng tiêu thụ rau của người Việt mới đạt được một nửa so với khuyến cáo của WHO.

Tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, PGS Trương Tuyết Mai (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) chia sẻ, trung bình một người Việt tiêu thụ 134g thịt mỗi ngày, ở thành phố là 154g, trong khi mức tiêu thụ theo khuyến nghị là 50-80g. Theo bà Mai, đây là thực trạng thừa dinh dưỡng đáng quan ngại.

Những con số ấy đã nói nên tất cả về những hệ lụy sau đó. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2017, hơn 541.000 người Việt tử vong, trong đó nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76%, đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gút...

TS.BS Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai) từng đưa ra nhận định, thói quen ăn nhiều thịt, ít rau của người Việt là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân mắc các bệnh tiêu hóa ngày càng gia tăng.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý này tăng từ 10-20% mỗi năm. Trong đó hay gặp nhất là táo bón, tiêu chảy, trào ngược, rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày, tá tràng, trực tràng... và cả ung thư.

Người Việt không chỉ ăn nhiều thịt mà còn uống nhiều bia: Vô số những hệ lụy cho sức khỏe trong tương lai - 2

PGS.TS Lê Bạch Mai (nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) nhấn mạnh, việc ăn nhiều thịt, ít rau còn liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cân, béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Khảo sát cho thấy, người dân nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hơn, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.

... mà còn tăng cường uống rượu bia, nước giải khát trong năm 2020

Theo báo cáo này, đối với rượu bia và nước giải khát nói chung, trung bình mỗi người một tháng là 0,9 lít vào năm 2018 đã tăng lên 1,3 lít trong năm 2020. Tất nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hầu hết lượng tiêu thụ thực phẩm, rượu bia và nước giải khát của nhóm hộ gia đình khá giả luôn cao hơn so với nhóm hộ nghèo.

Ngay cả khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đi vào hoạt động thì năm 2020 vẫn được giới chuyên gia nhận định người Việt đang tăng cường uống rượu bia, nước ngọt. Nguyên nhân chủ quan có thể là do diễn biến của dịch Covid-19, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, không đi ra ngoài, không điều khiển phương tiện giao thông... điều này khiến nhiều người tìm đến bia rượu, đồ uống giải khát hơn như một cách giảm căng thẳng hoặc giết thời gian mà không sợ bị phạt.

Trong khi mức tiêu thụ rượu bia đang giảm trên toàn thế giới, người Việt lại tăng cường uống. Và cũng không phải chỉ tăng trong năm 2020, qua từng năm, lượng tiêu thụ đồ uống này đều tăng rõ rệt. 

Người Việt không chỉ ăn nhiều thịt mà còn uống nhiều bia: Vô số những hệ lụy cho sức khỏe trong tương lai - 3
Trong khi mức tiêu thụ rượu bia đang giảm trên toàn thế giới, người Việt lại tăng cường uống.

Tại hội thảo "Xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia", thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, mức độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3,4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công. 

Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, vào năm 2016, một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia) trong một năm. 48% thanh niên từ 14-17 tuổi cũng uống rượu bia.

Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia như đột qụy, suy tim, các bệnh lý tăng huyết áp và phình động mạch chủ, tổn thương gan, xơ gan dẫn đến viêm gan, viêm tuỵ cấp, mãn tính. 

Bia rượu cũng gây ra các ảnh hưởng cho đường hầu họng, ung thư thanh quản, thực quản. Đây là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Trong khi đó, nhóm đồ uống giải khát, nước ngọt cũng có tác hại gây ra một loạt bệnh mãn tính tương tự.

Người Việt không chỉ ăn nhiều thịt mà còn uống nhiều bia: Vô số những hệ lụy cho sức khỏe trong tương lai - 4
Giới chuyên gia khuyến cáo nên giảm lượng thịt, rượu bia, nước ngọt, thay vào đó cần tăng cường rau củ quả và trái cây tươi, nhất là trong mùa dịch Covid-19 cần sức đề kháng dồi dào.

Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo nên giảm lượng thịt, rượu bia, nước ngọt, thay vào đó cần tăng cường rau củ quả và trái cây tươi, nhất là trong mùa dịch Covid-19 cần sức đề kháng dồi dào. Hiện nay dịch Covid-19 tại nước ta còn nhiều diễn biến phức tạp, không ít chuyên gia khẳng định đã đến lúc người Việt cần bình tĩnh sống chung với dịch bệnh thay vì mỗi lần thấy có ca lây nhiễm trong cộng đồng lại lo sợ, cố thủ trong nhà cơ man đồ ăn thức uống nhưng thiếu sự cân bằng dinh dưỡng, nhất là nhóm vitamin và khoáng chất thường vô tình bị lãng quên.

Nên duy trì thói quen mua đồ ăn sạch, ngon, tiết kiệm, có thể không mua đều hàng ngày nhưng cũng không nên mua chất đống vài tuần thậm chí cả tháng trời cho cả nhà sử dụng bởi nhóm rau củ quả thường không thể để được lâu. 

Tốt nhất nên vài ngày đi chợ một lần để đảm bảo đồ ăn vẫn tươi ngon, đủ nhóm chất. Khi đi ra ngoài cần chú ý thực hiện đúng 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế để chung tay vượt qua mùa dịch với sức khỏe dồi dào nhất. Và chắc chắn là nên từ bỏ hoặc hạn chế tối đa bia rượu để bảo vệ sức khỏe tốt nhất trong mùa dịch Covid-19 cũng như trong cuộc sống lâu dài sau này.

Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)