Cơn "lốc" bệnh tật không lây nhiễm
Người dân trên thế giới trong đó có Việt Nam đang phải trả giá cho những thói quen xấu liên quan tới hút thuốc, rượu bia, ăn uống thiếu cân đối, ít vật động…
Những thói quen xấu, chế độ ăn uống không lành mạnh đã làm gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm như: tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn, rối loạn tâm thần…
Trên thế giới bệnh không lây nhiễm đã trở thành nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất với khoảng 40 triệu người mỗi năm (chiếm 70-75% số người tử vong trên toàn cầu), con số này còn tiếp tục tăng lên.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyến, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có 40% tử vong trước 70 tuổi.
Bệnh lây nhiễm không lây còn gây tan phế nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị. Nguyên nhân là do người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh.
Ths. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, cứ 10 người tử vong thì có 8 người chết vì bệnh không lây nhiễm. Ước tính năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.
Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam và cũng là gánh nặng bệnh tật cho đất nước.
Theo số liệu thống kê số người tăng huyết áp tại Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người (năm 2015), đái tháo đường 3,5 triệu người (năm 2017), COPD và hen 2 triệu người (năm 2016), ung thư tỷ lệ mắc 151,4/100.000 dân (2018), rối loạn tâm thần có khoảng 13 triệu người (năm 2014).
Ông Khoa cho hay, Việt Nam được xếp trong Top những quốc gia tiêu thụ thuốc lá đứng đầu thế giới. Tác hại của khói thuốc lá làm gia tăng nhóm bệnh lý không lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, trong đó trên 45% nam giới và 1,1% phụ nữ trưởng thành hút thuốc lá. Hậu quả của thuốc lá khiến cho có khoảng 40.000 người chết, cao hơn rất nhiều so với số lượng người chết vì tai nạn giao thông, HIV/AIDS.
Sau thuốc lá thì thói quen lạm dụng rượu bia đang bào mòi sức khỏe của người Việt. Theo thông kê 77% dân số uống rượu, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm.
Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là cao so với các quốc gia khác trong khu vực.
Trong ăn uống, người Việt đang ăn nhiều thức ăn nhanh và muối. Thức ăn nhanh có chứa nhiều dầu mỡ, lượng muối lớn khiến cho người Việt tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới chuyển hoá.
"Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, số người thừa cân béo phì không người tăng lên trở thành mối lo ngại gia tăng các bệnh không lây nhiễm", ông Khoa khuyến cáo.
Bệnh không lây nhiễm không chỉ là mối đe dọa với Việt Nam tại Thái Lan, bác sĩ Rungruanghiranya, Đại học Srinakrinwirot, Thái Lan cho hay, cũng như Việt Nam thì bệnh không lây đang là mối đe dọa thực sự tới sức khỏe của người Thái Lan. Tỷ lệ mắc bệnh không lây tại Thái Lan 390.000 ca/năm. Ước tính cứ 1 giờ có tới 37 ca tử vong liên quan tới bệnh không lây.
Để ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm Thái Lan đã đưa ra 4 mục tiêu chiến lược chính. Trong đó, dự phòng cấp 1 là bước cực kỳ quan trọng gồm có: ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất, môi trường làm việc không có khói thuốc lá, không rượu bia.
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)