Đại tiện tưởng chừng chỉ là một nhu cầu sinh lý bình thường của mỗi người nhưng thực chất chúng có vai trò quan trọng trong việc tiết lộ sức khỏe bên trong. Đại tiện là hình thức đẩy hết chất thải và chất cặn bã còn ứ đọng ra khỏi cơ thể thông qua ống hậu môn. Ngược lại, nếu bạn đại tiện khó hoặc không đều đặn thì chất thải sẽ tích tụ lâu ngày trong ruột, khiến cơ thể nặng nề, mệt mỏi và không thể khỏe mạnh.
Đó cũng là lý do vì sao có quan niệm "một người khỏe mạnh sẽ có thói quen đại tiện đều đặn và trơn tru". Chúng ta nên theo dõi thói quen đại tiện của mình, nếu như mỗi ngày đều suôn sẻ thì có thể tạm yên tâm rằng cơ thể vô cùng khỏe mạnh.
1. Thời điểm đại tiện lý tưởng: Buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ buổi tối
Theo tiến sĩ Sarina Pasricha (bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa) trả lời trên tờ Fatherly, trong một ngày có 2 thời điểm tốt nhất để đi đại tiện đó là buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Theo tiến sĩ Sarina, khi con người ngủ, ruột non và ruột kết vẫn thức để xử lý tất cả thức ăn còn sót lại trong ngày. Khoảng 30 phút sau khi thức dậy, cảm giác muốn đi vệ sinh sẽ bắt đầu, đây là hành động đào thải hết các chất cặn bã này ra bên ngoài từ đó bảo vệ sức khỏe cho đường ruột của chúng ta.
Trước giờ đi ngủ cũng được coi là một thời điểm tốt để đi đại tiện. Đại tiện ngay trước khi ngủ giúp đào thải kịp thời các thực phẩm mà bạn đã tiêu thụ quá nhiều trong bữa tối, tránh gây tích mỡ bụng và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy, đại tiện trước khi ngủ cũng là một thói quen có lợi cho sức khỏe, vừa bảo toàn sức khỏe đường ruột lại giảm nguy cơ tăng cân, béo phì.
Tiên sĩ Sarina cũng cho biết, nếu bạn không có thói quen đại tiện trong 2 khoảng thời gian trên cũng không sao cả, chỉ cần bạn đại tiện đều đặn mỗi ngày 1-2 lần là được. Chuyên gia còn cho biết, các thói quen tốt như tập thể dục, uống nước ấm sau khi ngủ dậy hoặc uống một tách cà phê đều có tác dụng kích thích nhu động ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
2. Tình trạng đại tiện: Đại tiện trơn tru, dễ dàng
Nhiều người nghĩ rằng đại tiện là một nhu cầu sinh lý, vì vậy nó luôn diễn ra dễ dàng nhưng sự thật không phải vậy. Có rất nhiều bệnh lý có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn, khó chịu hoặc thậm chí không thể đại tiện như bệnh trĩ, ung thư hậu môn, ung thư đại tràng, viêm đại tràng... Những bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn đe dọa sức khỏe.
Ngược lại, nếu bạn cảm thấy việc đại tiện diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và luôn thực hiện đều đặn thì bạn nên cảm thấy may mắn vì mình vẫn đang rất khỏe mạnh.
3. Màu sắc của phân: Phân mềm, màu nâu
Phân gồm 75% nước và 25% chất rắn, bao gồm vi khuẩn chết, thức ăn khó tiêu và các chất vô cơ. Thường mất khoảng ba ngày để thức ăn đi qua cơ thể, dẫn đến việc đại tiện. Tuy nhiên, nếu thực phẩm đi qua cơ thể quá nhanh hoặc quá chậm, nó có thể ảnh hưởng đến kích thước, màu sắc và kết cấu của phân.
Theo bác sĩ Michael Cheng, một bác sĩ tiêu hóa ở Piedmont, cho biết: Phân khỏe mạnh thường được đánh giá là phân mềm, có hình dạng cụ thể và có màu nâu đặc trưng.
Nhưng ngược lại, nếu phân của bạn mỏng, phẳng thì nên cẩn thận với polyp hay các khối u đang dần xâm chiếm không gian ruột và khiến phân bị thay đổi hình dạng. Bên cạnh đó, nếu đi ngoài ra nhiều nước thì có thể bạn đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ví dụ như viêm dạ dày ruột cấp tính và chứng khó tiêu.
Nếu phân có một trong những màu sắc như màu đất, trắng, xám hay những màu khác thường thì ắt hẳn, đó là dấu hiệu của bệnh gan. Nguy hiểm hơn, nếu phân có màu đen thì hãy cẩn thận với bệnh xuất huyết tiêu hóa. Mùi tanh khó chịu và kèm theo phân đen thì ắt hẳn, bệnh dạ dày hay ung thư ruột đang ngầm phát triển.
Theo Đậu Đậu (Nhịp Sống Việt)