Hai lần trước đều sinh mổ, mang thai lần 3, chị L.N (38 tuổi) tiếp tục sinh mổ tại một cơ sở y tế. Sau sinh, sản phụ xuất hiện chảy máu âm đạo liên tục, ra 1.000ml máu âm đạo.
Dù đã được truyền hơn 1 lít hồng cầu khối nhưng tình trạng không cải thiện, sản phụ được chuyển tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Người bệnh nhập viện ở giờ thứ 5 sau mổ lấy thai trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, mạch 120 lần/phút (bình thường là 60-100), huyết áp 60/40mmHg (xuống rất thấp), tử cung co kém và to trên rốn, vết mổ băng thấm dịch, âm đạo ra máu cục.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Trưởng khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu do đờ tử cung.
Quyết định phẫu thuật nhanh chóng được đưa ra. Bác sĩ Đạt đánh giá tình trạng của người bệnh rất nặng: Tử cung dính một phần mặt trước vào thành bụng, bàng quang treo cao sát vết khâu cơ tử cung. Tử cung mềm, co kém, tách đẩy bàng quang xuống thấp bộc lộ đoạn dưới tử cung...
Các bác sĩ mở vết mổ cơ tử cung lấy ra 500g máu cục, khâu cầm máu, truyền 3.150ml hồng cầu, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện. Đến ngày 23/3, chị N. đã phục hồi sức khỏe hoàn toàn.
Thông thường, cơ tử cung sau khi sinh sẽ thắt chặt hoặc co lại để làm bong rau. Quá trình tử cung co hồi sẽ siết chặt các mạch máu gắn với bánh rau, giúp ngăn tình trạng chảy máu. Vì lý do nào đó gây ra đờ tử cung sau sinh, cơ tử cung không co đủ mạnh, máu sẽ tiếp tục chảy tự do, nhiều khả năng dẫn đến băng huyết, mất máu quá nhiều.
Đờ tử cung là biến chứng nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. Theo thống kê, đờ tử cung chiếm 80% nguyên nhân gây băng huyết (một trong 5 tai biến sau sinh thường gặp).
Theo Võ Thu (VietNamNet)