Tờ KKNews đưa tin, một người phụ nữ họ Vương, 62 tuổi, đã phải nhập viện vì tâm thần vì ngày nào cũng phải nghĩ "hôm nay ăn gì?"
Cụ thể, bà đã nghỉ hưu và về sống cùng với con cháu. Tưởng như đã được an hưởng tuổi già bên gia đình, bà Vương lại đâm ra lo nghĩ quá nhiều - đặc biệt là chuyện hôm nay mua ra chợ mua gì, nấu gì cho cả nhà.
Ở tuổi sức lao động, bà Vương còn đặc biệt lo lắng về sức khỏe của con trai và cháu trai; lo người thân ra ngoài gặp chuyện không an toàn... Ngày qua ngày, đủ nỗi lo sợ khiến bà rơi vào khủng hoảng. Biểu hiện rõ qua việc khó thở, tim đập thình thịch, mặt mày xây xẩm rồi vã mồ hôi đầm đìa.
Cảm thấy mẹ già khó ăn khó ngủ, sinh hoạt bất bình thường nên các con đã đưa bà Vương đến Khoa Tâm lý học lâm sàng của Bệnh viện Nhân dân số 2 của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Khi trò chuyện với bác sĩ, bà tỏ ra đặc biệt khó chịu khi nói về việc phải tính toán nấu gì cho các con ăn. Chỉ nhắc đến chuyện đó thôi cũng khiến mồ hôi bà túa ra.
Bác sĩ họ Minh, phó giám đốc khoa Tâm lý học lâm sàng nhận thấy kết quả kiểm tra ECG (điện tâm đồ) của bà Vương ở mức bình thường. Còn thang đánh giá sự lo lắng lại cho thấy các triệu chứng lo âu trầm trọng.
Vì vậy, bác sĩ yêu cầu con cháu cho bà Vương nhập viện để tiến hành điều trị. May mắn thay, sau một thời gian các triệu chứng nói trên đã dần biến mất, sức khỏe của bà Vương được cải thiện rõ rệt.
Rối loạn lo âu là bệnh gì?
Rối loạn lo âu là một trong những dạng rối loạn tâm lý phổ biến. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí có thể lo lắng rất vô lý. Nếu tình trạng này kéo dài và lặp lại nhiều lần có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân.
Triệu chứng rối loạn lo âu
Triệu chứng chính của rối loạn lo âu là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Rối loạn lo âu cũng có thể gây khó thở, ngủ, khó có thể đứng yên và tập trung. Các triệu chứng cụ thể của bạn phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu bạn có. Các triệu chứng thường gặp là:
Hoảng loạn, sợ hãi, cảm thấy không chắc chắn hay không an toàn
Khó ngủ, sợ hãi, lo lắng cả trong giấc ngủ
Không thể giữ bình tĩnh và đứng yên
Lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran tay hoặc chân
Khó thở, hoặc thở nhanh hơn bình thường
Tim đập nhanh
Khô miệng, buồn nôn
Cơ bắp căng thẳng
Chóng mặt
Giảm khả năng tập trung
Ám ảnh trong suy nghĩ về một vấn đề nhiều lần
Có những hành vi nghi thức, như rửa tay, kiểm tra khóa cửa… quá nhiều lần
Khó khăn giữ bình tĩnh hoặc vượt qua cơn lo âu
Phương pháp điều trị rối loạn lo âu
Điều trị hiệu quả nhất của rối loạn lo âu là điều trị kết hợp các liệu pháp tâm lý, điều trị thuốc. Việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian dù là điều trị với thuốc hay tâm lý.
Liệu pháp tâm lý trị liệu: Tâm lý gia sẽ dành nhiều thời gian để hỗ trợ tâm lý cho bạn. Qua những cuộc trò chuyện tâm lý nhằm mục đích giúp bạn hiểu thêm về tình trạng của mình, những điều gì đang góp thành khó khăn cho bạn, khám phá bản thân qua đó tìm được hướng giải quyết phù hợp cho mình.
Dùng thuốc: Điều trị thuốc có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm hoặc hơn tùy tình hình của mỗi cá nhân. Bạn cần được thăm khám, để bác sĩ có thể xác định loại thuốc nào là phù hợp với bạn, và cần tái khám đều đặn để điều chỉnh liều phù hợp với tình hình thực tế của bạn.
Để điều trị rối loạn lo âu, bạn cần sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn (bác sĩ tâm thần, tâm lý gia…). Cùng với việc điều trị, có một số điều bạn có thể làm để tự giúp mình giảm nhẹ một số triệu chứng của rối loạn lo âu.
Dành thời gian cho bản thân mỗi ngày: Có thể là 20 phút thư giãn hoặc một hoạt động nào đó giúp bạn cảm thấy thú vị, thoải mái, dễ chịu.
Tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga…): Tùy vào sức khỏe của bạn mà chọn hoạt động phù hợp. Hoạt động thể dục rất cần thiết, và hiệu quả đối với những người bị rối loạn lo âu.
Chăm sóc giấc ngủ
Tránh các thức uống có caffein, hoặc chất kích thích
Tập luyện hít thở sâu
Những cách trên sẽ giúp bạn trang bị thêm giải pháp giúp bạn giải tỏa, giảm nhẹ căng thẳng. Tuy nhiên, thực tế không có những cách chung cho tất cả người bệnh, mà cần cá thể hóa. Có thể có người phù hợp với cách này, và bạn thì phù hợp với cách khác. Do đó, bạn có thể thử khám phá thêm các hoạt động khác giúp bạn thư giãn, dễ chịu, hoặc thảo luận với nhà tâm lý của bạn.
PN (Nguoiduatin.vn)