Năm 2007, bà Đỗ Thị Thủy (sinh năm 1967, Đông Anh, Hà Nội) đột nhiên thấy đau lưng dai dẳng, chân loạng choạng, đi lại không vững. Đi khám và chụp cộng hưởng từ, bà nhận thông báo đã mắc đa u tủy xương - bệnh ung thư dòng tế bào, gây u khu trú hoặc lan tỏa trong tủy xương.
Tin dữ đến bất ngờ khiến người phụ nữ sốc tới ngã quỵ, cảm giác như rơi xuống vực thẳm. Vội đóng sầm cửa xe, bà Thủy ngồi khóc suốt nhiều tiếng đồng hồ sau đó.
Các bác sĩ cho biết, khối u nằm trong đốt xương cột sống số 8, bởi vậy hướng điều trị là cắt bỏ đốt xương, cố định lại cột sống bằng nhiều thanh sắt. Song song với đó, bà Thủy được truyền và uống thuốc hóa chất suốt 6 tháng để “phong tỏa” khối u.
Bệnh ổn định được một thời gian, 3 năm sau, bà Thủy tiếp tục nhận chẩn đoán mắc u vú ác tính. Bệnh ung thư đã ở giai đoạn 3, khối u kích thước 2,7 cm. Một lần nữa, người phụ nữ phải trải qua các ca phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bên ngực có khối u, kết hợp vét hạch. Sau phẫu thuật, bà được xạ trị 25 lần, cùng 6 lần truyền hóa chất mới có thể ra viện.
Mỗi lần xạ trị, truyền hóa chất là một lần cơ thể bà Thủy kiệt quệ, không thể ăn uống, nôn không ngừng. Mái tóc dày mượt, từng dài đến đầu gối của bà Thủy cứ thế rụng dần, cuối cùng chỉ còn trơ trọi mái đầu trống hoác.
“Trước khi truyền hóa chất, tôi đã cắt tóc đến ngang vai, tự nhủ nếu có rụng cũng đỡ buồn hơn. Thế mà lần đầu thấy từng mảng tóc lớn rụng trên tay, tôi run lẩy bẩy, cứ thế bật khóc”, bà Thủy nhớ lại.
Sau này, bà nghĩ ra một cách là không chải đầu hoặc cố vuốt tóc, “để dành” cho những sự kiện quan trọng như sinh nhật con, cháu. “Hết việc rồi mới vuốt, lúc ấy thì đầu chẳng còn sợi nào”, bà mỉm cười, kể.
Năm 2016, tin dữ lại ập đến, làm chao đảo cuộc sống người phụ nữ ấy. Lần này, bà phát hiện đã mắc ung thư tuyến nước bọt.
Các bác sĩ đánh giá tình trạng rất nguy hiểm bởi bệnh nhân dễ bị liệt mặt, méo miệng khi can thiệp sâu vào khối u ác tính. Sau phẫu thuật, bà Thủy lại có 35 lần xạ trị liều cao liên tiếp, truyền 7 mũi hóa chất suốt 1 năm để bệnh ổn định.
Tưởng như khó khăn đã tạm thời dừng lại, năm 2018, người phụ nữ phải đối mặt với “tận cùng của nỗi đau”. Khi vợ chồng bà Thủy cùng nhau vào miền Nam du lịch ít ngày để bà lấy lại tinh thần, người chồng đột ngột gặp biến cố, qua đời ngay tại đất khách.
Lúc chồng trở nặng, bà Thủy giấu con, một mình ở phương xa lo cho ông. Sau này, bà lại trở thành trụ cột, để các con dựa vào lo liệu đám hiếu.
Bà Thủy vẫn luôn mỉm cười ngay cả khi kể về bệnh của mình, nhưng đôi mắt rưng rưng khi nhắc đến người chồng đã khuất. Bà bảo, khi còn sống, ông là chỗ dựa vững chắc nhất.
“Chăm tôi nhiều ngày ở viện, có lần thấy ông mệt quá, tôi bảo về nghỉ nhưng chỉ 1 tiếng sau đã thấy ông quay lại. Ông bảo, về nhà cũng chán, không biết làm gì. Nhưng tôi biết, đó là vì ông ấy rất lo cho tôi”, bà Thủy xúc động chia sẻ.
Năm 2018 và 2019, bệnh u đa tủy xương và ung thư tuyến nước bọt tái phát, nhưng lần này chẳng thể làm bà Thủy gục ngã. Bà lại kiên cường nhập viện và tiếp tục chiến đấu.
Những bệnh nhân cùng điều trị không ai là không biết bà Thủy. Họ bảo nhau: “Sao bà ấy vô tư đến thế. Mang trong mình quá nhiều bệnh mà lúc nào cũng thấy vui vẻ”. Những người mới mắc bệnh thì tâm sự với bà: “Nếu biết chị sớm hơn, tôi đã không có quãng thời gian tiêu cực như vậy”.
Bà Thủy chia sẻ, đó là do bà luôn vui vẻ, hay pha trò cho mọi người mỗi ngày. Chính vì vậy, có lần nhìn thấy bà không kìm được cảm xúc mà bật khóc, các bệnh nhân đều bảo: “sắt đá cũng có lúc phải mềm”.
Động lực lớn nhất giúp người phụ nữ 53 tuổi vượt qua tất thảy bất hạnh là các con, cháu. Anh con trai cả ít khi thể hiện cảm xúc từng có lần ôm lấy mẹ, thủ thỉ: “Con không biết sẽ phải tiếp tục sống thế nào nếu không còn mẹ”.
Khi không điều trị ở bệnh viện, bà Thủy đều cố gắng ăn uống đúng khoa học, sáng dậy sớm đi bơi, đến chiều sẽ đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng. Lúc buồn, bà tự tìm cho mình niềm vui bằng cách nghe nhạc, tập hát, trò chuyện cùng bạn bè.
Bà Thủy không rõ về tiên lượng bệnh của mình, cũng không cố gắng dò hỏi bác sĩ. Bà tâm niệm, sống thêm một vài ngày, vài tháng, vài năm đã là điều may mắn, sẽ sống lạc quan để không phải hối tiếc.
Theo Nguyễn Liên (VietNamNet)