Theo Sở Y tế Bình Phước, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành trên địa bàn tỉnh Bình Phước như: Sốt rét, sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng và có những diễn biết bất thường.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 973 ca sốt rét, tăng 66,6% so với cùng kỳ năm 2017 (973/584). Số ca mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng qua là 1.055 ca, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017 (1.055/832). Có 3 trường hợp đã tử vong.
Sở Y tế tỉnh Bình Phước lý giải, một trong các nguyên nhân gây ra sự tăng vọt của bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Bình Phước , là do có sự gia tăng về số người từ các địa phương khác đến Bình Phước làm ăn, sinh sống, lao động thời vụ, làm nương rẫy...
Mặt khác, người dân địa phương đi rừng ngủ rẫy, khai thác lâm – thổ sản, đi lại và giao lưu, làm kinh tế ở Campuchia. Phần lớn các đối tượng trên chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét như: Ngủ mùng, nằm võng mùng có tẩm hoá chất hoặc dùng kem xua muỗi...
Trong lúc đó, nguyên nhân làm tăng bệnh nhân sốt xuất huyết, thì Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho rằng: Do thói quen của người dân sử dụng các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, không đậy nắp kín, tạo môi trường cho muỗi sinh sản và truyền bệnh sốt xuất huyết...
Thậm chí, rác thải sinh hoạt như vỏ lon, hợp đựng thức ăn, vỏ dừa... cũng là nơi tụ nước, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
Tại cuộc họp báo đầu tháng 8.2018, UBND tỉnh Bình Phước đã triển khai kế hoạch: Mỗi người dân, hộ gia đình và các cơ quan công – sở cần hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi, bằng cách vệ sinh môi trường như: Thu gom, lật úp, dọn dẹp các dụng cụ chứa nước không cần thiết.
Đậy nắp, thau rửa thường xuyên những dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Diệt lăng quăng 2 lần/tuần, với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”.
Theo Đông Anh (Lao Động)