Trường hợp chị N.T.A (tại Ba Đình, Hà Nội) là một ví dụ. Cách đây khoảng hơn một tháng, chị có triệu chứng ho, test nhanh cho kết quả dương tính. Theo dõi tới ngày thứ 7, chị test lại và có kết quả âm tính.
Mới đây, người phụ nữ này có triệu chứng rát họng, nghẹt mũi. Chị đinh ninh mình không mắc Covid-19 do vừa khỏi bệnh. Nhưng khi test nhanh, kết quả lại là dương tính. Theo chị T.A, từ lần dương tính thứ nhất tới lần dương tính thứ 2 cách nhau đúng 1 tháng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, nhận định, tình trạng tái nhiễm hiện nay do biến thể Omicron đã tràn lan trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Khanh, về nguyên tắc, để xác định một ca tái nhiễm phải thực hiện giải trình tự gene để xác định có 2 biến thể khác nhau ở 2 lần nhiễm. Tuy nhiên, việc này phục vụ cho giám sát dịch của giới chuyên môn, người dân không cần phải thực hiện vì vừa tốn tiền vừa mất thời gian.
Các chuyên gia cho biết, sau khi khỏi, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu, sau một khoảng thời gian sẽ suy yếu và mất đi. Hoặc kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không phù hợp để bảo vệ cơ thể trước chủng mới nên người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới.
Tương tự, BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhiều người dân đang có tâm lý chủ quan khi cho rằng đã mắc biến thể Omicron sẽ khó có khả năng tái nhiễm.
Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, nói thêm, tái nhiễm có 2 trường hợp, có thể bệnh nhân trước đó nhiễm chủng Delta sau đó được tiêm vắc xin và chủ quan. Nhưng người này lại tiếp tục tái nhiễm với chủng mới - Omicron.
Trường hợp thứ 2, người dân đã nhiễm chủng Omicron nhưng vẫn tái nhiễm Omicron nhưng với nhánh khác. Omicron gồm 3 nhánh BA.1, BA.2, BA.3, chủng gốc BA.1 đã lan rộng trên toàn thế giới từ tháng 11/2021. Tới nay, chủng BA.2 đã dần thay thế, trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nhiều nước. Người từng nhiễm chủng ban đầu của Omicron, BA.1, sau đó có thể nhiễm tiếp chủng BA.2.
Theo bác sĩ, tất cả các đối tượng, từ trẻ đến già, nếu có tiếp xúc nguồn lây đều có thể tái nhiễm. Nhưng đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao là người già bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vắc xin. Cá biệt tái nhiễm có thể gặp người trẻ vì vậy người dân không thể chủ quan.
Tái nhiễm nhiều, khoảng cách gần làm cho bệnh nhân mệt mỏi, thời gian hậu Covid kéo dài hơn khiến sức khỏe có thể giảm sút.
TS Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cũng cho biết, người có hệ miễn dịch không tốt, tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc kháng thể tạo ra sau lần mắc Covid-19 thứ nhất tạo ra chưa đủ để bảo vệ bản thân có nguy cơ cao tái nhiễm Covid-19.
Cũng theo TS Minh, lần mắc Covid-19 thứ 2 thường không nguy hiểm. Tuy nhiên với những người dù đã hết virus nhưng cơ thể chưa hoàn toàn bình phục hoặc đang mắc hậu Covid cần phải cẩn thận. Vì tổng hợp triệu chứng của 2 lần sẽ khiến bệnh nặng hơn. “Để tránh tái nhiễm người dân vẫn tuân thủ các nguyên tắc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…”, TS Lê Minh nói.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Thu Hường cho rằng, người đã tiêm vắc xin hay đã bị nhiễm vẫn phải thực hiện tốt 5K sau khi khỏi bệnh, tự theo dõi sức khỏe bản thân để đảm bảo mình không bị nhiễm và không phải trung gian lây nhiễm cho người khác. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi… cần thực hiện test nhanh để kiểm tra về khả năng tái nhiễm.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)