Người lớn tuổi ăn uống ngày Tết như thế nào

12/02/2018 08:57:32

Hạn chế các món nhiều mỡ, chất béo no và muối như đồ nguội, thịt đông, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét, dưa món…

Theo thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ngày Tết mọi người thường có tâm lý ăn uống thoải mái mà không chú ý đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng dễ gây hại sức khỏe. Đặc biệt người lớn tuổi thường mắc nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa... nếu không có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ, lành mạnh dễ khiến bệnh trở nặng hơn sau những ngày xuân.

Người lớn tuổi ăn uống ngày Tết như thế nào
Ảnh minh họa: Health.

Theo thạc sĩ Tường, điều quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe cho mọi người là ăn uống đúng giờ, đủ chất và không bỏ bữa. Riêng các cụ lớn tuổi nên hạn chế các món chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no như đồ nguội, thịt đông, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét… Giảm ăn muối và các món nhiều muối như các loại thịt ngâm, dưa muối, dưa món, đồng thời hạn chế các loại bánh kẹo, đồ ngọt.

Hoạt động tiêu hóa của người cao tuổi cũng dễ bị ảnh hưởng nếu ăn quá nhiều hoặc quá no. Vì vậy, tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn ba bữa chính trong ngày. Ưu tiên những thực phẩm mềm, dễ nhai, dễ tiêu, bổ sung thêm các loại rau củ sẽ giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn. Nên ăn chậm, nhai kỹ, uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây…

Người cao tuổi thường có thói quen tiết kiệm những thực phẩm dư thừa, đem cất vào tủ lạnh rồi hâm lại ăn tiếp, hâm nhiều lần. Thạc sĩ Khuê Tường cảnh báo việc hâm đi hâm lại thực phẩm thừa không an toàn cho sức khỏe người dùng và dễ gây ngộ độc. Thực phẩm rất dễ mất chất, biến chất khi bị nấu quá lâu, nấu nhiều lần. Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn có thể phát triển trong nhiệt độ thấp nên dù thực phẩm được bảo quản trong ngăn đá tình trạng hư hỏng vẫn xảy ra.

Vêc cơ bản, việc bảo quản thực phẩm ngày Tết cần lưu ý một số nguyên tắc vệ sinh và an toàn như sau:

- Thực phẩm khi cất vào tủ lạnh nên được chia thành những phần vừa đủ một lần ăn, đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm. Khi lấy ra ăn nên đun nóng lại ngay và sử dụng hết phần thực phẩm đó.

- Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ tủ lạnh tăng cao, ảnh hưởng đến các thực phẩm xung quanh.

- Các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu sau khi nấu chín cần làm nguội nhanh rồi cho vào tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá hai giờ.

- Khi hâm nóng thức ăn phải đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, hãy đảo trộn thức ăn lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng vội lấy ra ngay, hãy để trong lò khoảng ba phút rồi mới ra.

Theo Trần Ngoan (VnExpress.net)