Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Cảnh, Khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện 108, hút mỡ bụng là can thiệp được xếp vào loại phẫu thuật với mục đích lấy bớt độ dày của vùng mỡ dưới da.
Trong quy định, phẫu thuật hút mỡ bụng bắt buộc phải được thực hiện ở bệnh viện, bệnh viện thẩm mỹ và phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Tiến hành 1 ca phẫu thuật hút mỡ bụng phải theo quy trình rất chặt chẽ. Sau khi thăm khám, nếu có chỉ định hút mỡ bụng, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm, khám chuyên khoa liên quan để xác định có thể làm phẫu thuật này hay không. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám tiền mê để nhận định bệnh nhân có thể thực hiện gây mê hay không. Thông thường, nếu vùng bụng lớn, vùng hút mỡ rộng, bệnh nhân sẽ được chỉ định gây mê. Nếu vùng hút không quá lớn, bác sĩ cũng có thể áp dụng gây tê tại chỗ để phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo các tài liệu y học, phẫu thuật hút mỡ bụng có đến 24, 25 biến chứng có thể xảy ra, bao gồm: chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng, phù phổi, tắc mạch phổi, ngộ độc thuốc tê,… Trong đó, biến chứng cao nhất ghi nhận là tử vong.
Về vụ việc người đàn ông 43 tuổi tử vong sau khi thực hiện hút mỡ bụng tại cơ sở thẩm mỹ Việt Hàn (Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 27/12, bác sĩ Cảnh nhận định, không loại trừ các nguyên nhân như người bệnh bị sốc phản vệ, sốc do ngộ độc thuốc, sốc do thay đổi các chất trong huyết thanh, mất máu, tắc mạch phổi,… “Đó là những nguyên nhân thông thường nhất có thể dẫn đến cái chết của nạn nhân. Nguyên nhân chính xác chỉ có thể được khẳng định sau khi lực lượng chức năng giải phẫu tử thi”, bác sĩ Cảnh nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Cảnh, không chỉ riêng hút mỡ bụng, các cơ sở thẩm mỹ bắt buộc phải được sự cấp phép của Sở Y tế với mỗi loại can thiệp mới được đưa chúng vào hành nghề kinh doanh. Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cũng phải là người có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật đó, có kinh nghiệm thực hành mới được phép thực hiện.
“Thực hiện phẫu thuật ở những cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép, không có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ không có chuyên môn sẽ gặp nguy cơ rủi ro rất lớn. Đơn cử như kỹ thuật hồi sức cấp cứu trong trường hợp gặp biến chứng, nếu là đơn vị có chuyên môn thì có thể giảm đi nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.” bác sĩ Cảnh cho biết thêm.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Cảnh cũng đưa ra lời khuyên: khi muốn thực hiện bất kì phẫu thuật thẩm mỹ nào, bệnh nhân cần tìm tới các chuyên gia có uy tín về lĩnh vực đó để được tư vấn.
“Người có chuyên môn thường khám rất kĩ, tư vấn kĩ càng cả về mặt được, mất, những biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật. Nên cảnh giác với những cơ sở chỉ giới thiệu với bạn về mặt lợi ích của phẫu thuật bởi đa phần họ đặt mục đích thương mai lên số 1, khó đảm bảo về mặt an toàn”, bác sĩ Cảnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên tìm tới những cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, tìm hiểu và cân nhắc kĩ càng về các mặt được, mất của loại can thiệp đó trước khi lựa chọn.
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, chiều 27/12, nạn nhân nam (sinh năm 1976, trú tại Hà Nội) đã tử vong trong quá trình hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Việt Hàn (Cầu Giấy, Hà Nội). Cơ quan chức năng bước đầu xác định, người đàn ông tới thẩm mỹ viện này làm đẹp, hút mỡ bụng nhưng trong quá trình xử lý, tiêm thuốc xảy ra phản ứng dẫn đến tử vong.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý Hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: trong quy định, khi trưng biển quảng cáo là thẩm mỹ viện (giấy phép đăng ký kinh doanh) thì không được làm kỹ các kỹ thuật khám chữa bệnh như hút mỡ, phẫu thuật… mà chỉ được làm phun săm, chăm sóc da. Đối với thẩm mỹ viện mà cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh là hoạt động không phép.
Theo Nguyễn Liên (VietNamNet)